TP.HCM tận dụng thế mạnh phát triển du lịch MICE

Ngành du lịch TP.HCM đã và đang đẩy mạnh thế mạnh du lịch MICE để thu hút du khách, tăng lợi nhuận từ ngành công nghiệp không khói.
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh thế mạnh du lịch MICE để thu hút du khách, tăng lợi nhuận từ ngành công nghiệp không khói.

Năm 2010, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 3,1 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, chiếm 60,69% so với cả nước. Trong đó số khách thương nhân, lượng khách đến vì công việc tăng trên 60%.

Tổng doanh thu du lịch đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu từ nhà hàng, khách sạn tăng 16%. Những con số này cho thấy du lịch MICE của Thành phố đang ngày càng khẳng định được vị thế hàng đầu.

Một điểm đến có nhiều thế mạnh

Sản phẩm MICE (viết tắt của 4 từ tiếng Anh Meeting-gặp gỡ, Icentive-khen thưởng, Covention-hội thảo, Exhibition-triển lãm) là tổng hợp của nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, lưu trú, tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình tham quan. Do đó, điểm đến của du lịch MICE phải hội đủ các điều kiện về cư trú, ẩm thực, khu vui chơi mua sắm, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ hội nghị.

Đây là loại hình du lịch mới đối với Việt Nam nhưng bước đầu các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển loại hình này. Trong đó, có thể nói Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội đủ đầy đủ nhất các yếu tố để phát triển MICE.

Những nơi có khả năng tổ chức hội nghị trước hết và đáng kể nhất của ngành du lịch thành phố chính là các khách sạn chất lượng 3-5 sao với những thiết kê đặc trưng dành riêng cho tổ chức hội nghị-hội thảo-sự kiện.
 
Theo số liệu thống kê hiện thành phố có 1.446 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1-5 sao, trong đó có 65 khách sạn đạt chất lượng 3-5 sao (13 khách sạn 5 sao như Majestic, Rex, Caravelle, Part Hyatt, Sheraton…) với tổng cộng có khoảng 200 phòng họp lớn, nhỏ phục vụ các loại hội nghị, hội họp trong và ngoài nước với tổng diện tích trên 28.000m2.

Ngoài ra, thành phố còn có một số cơ sở vật chất khác như trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), trung tâm Hội nghị Triển lãm quốc tế Tân Bình. Sân bay quốc tế Tân Sân Nhất và đội ngũ các công ty lữ hành chuyên nghiệp như Saigontourist, Vietravel, Ben Thanh Tourist, Fiditour…; lượng khách quốc tế tăng bình quân 15-25%.

Do đó, ông Đinh Ngọc Đức, phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch không ngần ngại khẳng định tất cả các yếu tố trên đã tạo nên lợi thế cạnh tranh du lịch MICE của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đã thực sự là một trung tâm du lịch MICE hàng đầu trong cả nước.

Khắc phục hạn chế

Theo ông Lương Trung Hiếu, phụ trách quản lý khách sạn Sheraton, ùn tắc giao thông, thủ tục visa còn nhiều bất cập, chính sách hoàn thuế tại sân bay, nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ khách MICE còn thiếu và yếu, chưa có những khu giả trí về đêm... là những khó khăn không nhỏ làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút MICE so với các nước khác trong khu vực.

Bà Việt Hương, đại diện Vietravel cho biết hiện tại làm MICE gặp rất nhiều khó khăn. Khi làm MICE với các sự kiện cấp nhà nước như APEC, ASIAN… các doanh nghiệp có nội lực để làm nhưng rất bị động. Vì chỉ đạo từ trên xuống không thống nhất, đến phút cuối vẫn bị thay đổi kế hoạch.

Bên cạnh đó, loại hình du lịch này có sự cạnh tranh nội bộ không công bằng, phá giá khách sạn. Nhiều khách sạn đã đến chào hàng trực tiếp với giá thấp hơn giá hãng lữ hành đã đưa ra với cùng khách hàng đó. Nếu khách sạn kết hợp tốt với lữ hành sẽ có một sản phẩm MICE trọn vẹn, còn không tốt khách hàng là người gánh chịu. Và uy tín của khách sạn và đơn vị lữ hành đều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, đơn vị lữ hành phải ra nước ngoài để tìm kiếm khách hàng MICE nhưng về nước khách sạn lại đưa ra giá khác khiến lữ hành bỏ nhiều công sức nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu.

Để phát triển nhanh và bền vững loại hình du lịch này, Thành phố kiên quyết khắc phục những yếu kếm tồn tại trên, từng bước hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, tăng cường xây dựng thêm các khách sạn 4-5 sao và các trung tâm hội nghị lớn, tăng cường hơn nữa các chiến dịch tiếp thị và quảng bá. Quan trọng nhất là tiến tới xây dựng trường chuyên về đào tạo trong lĩnh vực MICE và cơ quan phát triển du lịch MICE.

Đây sẽ là trung tâm xúc tiến quảng bá thu hút du lịch MICE ra nước ngoài, hoạch định chính sách chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch MICE cũng như đề xuất những kiến nghị lên các cơ quan chức năng để tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc, liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực MICE để tránh cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu MICE Thành phố.

Theo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành phố, đến năm 2015, thành phố sẽ thu hút gần 4.000.000 lượt khách quốc tế, trong đó gần 900.000 lượt khách thương nhân. Dự báo nhu cầu phòng khách sạn lên tới trên 70.000 phòng, như vậy thành phố sẽ cần thêm 12.000 phòng, trong đó có 6.000 phòng khách sạn 3- 5 sao phục vụ khách du lịch hội nghị.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch MICE thì song song với việc nâng cao cơ sở vật chất, thành phố đang xây dựng định hướng kế hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch…/.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục