TP.HCM: Tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn giảm chưa đáng kể

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thinh, 6 tháng đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 496 trường hợp là trẻ em, người lang thang ăn xin trên địa bàn.
TP.HCM: Tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn giảm chưa đáng kể ảnh 1Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thinh báo cáo về công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. (Nguồn: Báo Tin Tức/TTXVN)

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, sau một thời gian các quận, huyện đẩy mạnh các giải pháp, tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác có giảm nhưng chưa đáng kể. Nhiều giao lộ, trục đường chính, khu vực đông dân cư, khu vực ven trung tâm vẫn còn tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn...

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã tiếp nhận 415 trường hợp; trong đó, Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận 359 trường hợp, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần tiếp nhận 56 trường hợp.

Ông Lê Văn Thinh đánh giá tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng còn tiếp diễn là do một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý trẻ em, người lang thang, xin ăn, sinh sống nơi công cộng và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn quản lý.

Lực lượng chức năng, Tổ công tác của các địa phương thường chỉ tập trung tuần tra, kiểm tra vào những giờ cao điểm, giờ hành chính hoặc theo kế hoạch đã được định sẵn thời gian, địa điểm, trong khi người lang thang, xin ăn thường xuyên xuất hiện ngoài giờ hành chính, địa điểm là các giao lộ đông phương tiện giao thông, khu vực giáp ranh.

[Khai mạc Kỳ họp thứ X Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X]

Các trường hợp có dấu hiệu "chăn dắt" khi bị phát hiện lập biên bản, xác minh xử lý thì chưa có căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm, dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn do đối tượng thường xuyên di chuyển giữa nhiều địa bàn và có sự thỏa thuận của người "chăn dắt" và đối tượng.

Để hạn chế tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành các văn bản, xây dựng kế hoạch xuống đến các địa phương về công tác tập trung, xử lý tình trạng trẻ em, người lang thang, xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, xác minh nơi cư trú, xử lý, lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội theo quy định.

Ủy ban Nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn kiên quyết, thường xuyên thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn tại các tuyến đường trong các dịp Lễ, Tết và các ngày cuối tuần trên địa bàn quản lý để xử lý kịp thời, không để tái diễn.

Riêng Tổ công tác tại các phường, xã, thị trấn và các ngành chức năng, ông Lê Văn Thinh đề nghị tiếp tục phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xã hội tăng cường lực lượng, rà soát, kiểm tra địa bàn; xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện ký kết liên tịch liên phường, liên quận khu vực giáp ranh; đồng thời, tổ chức những đợt ra quân xử lý, kiểm tra đồng loạt đạt hiệu quả hơn vào những giờ cao điểm, giờ hành chính, buổi trưa, chiều, tối, kể cả thứ 7, Chủ nhật và những ngày đột xuất.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến những cá nhân, tổ chức từ thiện khi tổ chức phát quà, hạn chế tình trạng các đối tượng tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn; vận động người dân ủng hộ chủ trương “không cho tiền người xin ăn”; treo băng rôn, biểu ngữ tại các khu vực cửa ngõ nhằm phổ biến quy định rộng rãi, đặc biệt các quy định về hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục