TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác phát triển kinh tế

Trong những năm qua, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác phát triển kinh tế ảnh 1Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Sáng 11/3, tại Bến Tre, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác trên từng ngành, từng lĩnh vực. Sau đó, đưa ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

["Đầu tư công có trọng điểm, tập trung cho các dự án liên kết vùng"]

Đồng thời, đây là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre nhấn mạnh sự hợp tác toàn diện giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, căn cứ các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Vùng có kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng.

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương.

Nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng…, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kết quả hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết, hợp tác kinh tế- xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn tồn tại, cần được khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình liên kết phát triển giữa thành phố và các địa phương còn có một số khó khăn. Trước tiên là chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng. Kế đến là trong quá trình tổ chức hợp tác phát triển, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa các địa phương cũng chưa đặt chẽ, còn nhiều điều trong việc chỉ đạo, điều hành để chương trình liên kết đạt hiệu quả hơn.

TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác phát triển kinh tế ảnh 2Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Tham luận tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho hay hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn.

Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng thiếu nguồn lực mới để phát triển.

Do đó, Đồng Tháp đã xác định hướng đi cụ thể để thích ứng, lấy “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo...

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đề xuất phải thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp.

Do vậy, Long An đề xuất thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau,” Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định hợp tác có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

Cụ thể, các địa phương tiếp tục hợp tác đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng giai đoạn 2022-2025.

Các địa phương còn phối hợp trên các lĩnh vực du lịch; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; an sinh xã hội.

Cùng với đó, các địa phương cùng hợp tác xây dựng và triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2022 về phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh các nội dung hợp tác chung giữa Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, căn cứ nhu cầu, điều kiện, khả năng của các bên, Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với từng tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung cùng các địa phương để triển khai các nội dung ký kết để có kết quả.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị làm sao triển khai cho hiệu quả, thiết thực chương trình hợp tác. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác phối hợp; chủ động rà soát, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để triển khai hiệu quả các lĩnh vực ký kết hợp tác. Sau hội nghị này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ từng năm cho chương trình hợp tác.

Dịp này, 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục