TP.HCM xây dựng 4 kịch bản thu dung, điều trị theo cấp độ dịch

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lý giải, nếu chỉ dựa vào số ca mắc mới/100.000 dân/tuần thì thành phố đang ở cấp độ 3, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine cao nên thành phố được xếp vào cấp độ 2.
TP.HCM xây dựng 4 kịch bản thu dung, điều trị theo cấp độ dịch ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM. (Ảnh: TTXVN phát)

Việc nhà hàng được phục vụ ăn uống tại chỗ, lượng cung ứng hàng hoá, kịch bản thu dung, điều trị COVID-19, gói hỗ trợ đợt 3… là các nội dung nổi bật được đưa ra tại cuộc họp định kỳ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/10. 

Xem xét, đánh giá các tiêu chí để mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

Về chợ truyền thống, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 120/234 chợ truyền thống được mở, tăng thêm 19 chợ dự kiến được mở lại sau khi xem xét mức độ an toàn.

Trong ngày 25/10, tình hình kinh doanh tại các đơn vị ghi nhận không có nhiều biến động. Lượng cung ứng hàng hóa đã ổn định với bình quân 6.000 tấn/ngày. Trong đó, 3 trạm trung chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối bình quân nhận về khoảng 1.700 tấn hàng/đêm. 

[Thành phố Hồ Chí Minh kết nối tuyến, điểm du lịch liên vùng an toàn]

Liên quan đến đề xuất cho nhà hàng được phục vụ tại chỗ, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành đang xem xét, cân nhắc cách làm, tiêu chí đánh giá để mở lại hoạt động này. “Việc mở lại quán ăn uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ lại nhiều vấn đề. Sau khi thống nhất, Sở sẽ thông tin đến báo chí,” ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.

Về gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch 3456 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/10, Sở đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra việc chi trả hỗ trợ tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. 

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nội dung kiểm tra xoay quanh việc các địa phương có thực hiện theo đúng Nghị quyết 09 và Công văn 2209 (gói hỗ trợ đợt 1). Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Công văn 2627 và Công văn 2799 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (gói hỗ trợ đợt 2); kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Công văn 3181 đối với gói hỗ trợ đợt 3. 

Thời gian triển khai đợt kiểm tra từ ngày 29-31/10. Từ ngày 1-15/11, 3 đoàn bắt đầu triển khai tại các địa phương. Từ ngày 6-20/11, các đoàn tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/11, Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình báo cáo lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thận trọng, tuân thủ quy tắc 5K dù số ca mắc giảm

Thông tin về kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch căn cứ Nghị quyết 128, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc mới ở thành phố giảm và dịch đang ở cấp độ 2. 

TP.HCM xây dựng 4 kịch bản thu dung, điều trị theo cấp độ dịch ảnh 2Hành khách đón xe buýt số 20 (Bến Thành-Nhà Bè) tại Trạm trung chuyển Hàm Nghi. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, nếu chỉ dựa vào số ca mắc mới/100.000 dân/tuần thì thành phố đang ở cấp độ 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi là 99% và tỷ lệ tiêm đủ liều cho người trên 65 tuổi cao nên thành phố được xếp vào cấp độ 2.

Trước thực tế đó, công tác ứng phó với dịch COVID-19 của thành phố vẫn đang ở cấp độ 3. Vì vậy, thành phố cần thận trọng dù số ca tử vong đang liên tục giảm. Ngoài ra, tới cuối tháng 10/2021, thành phố phải hoàn toàn tự lực trong kiểm soát dịch khi hầu hết đoàn chi viện của Trung ương rút đi. 

“Dù tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng nếu chủ quan, người dân không tuân thủ 5K và các quy định về an toàn của ngành Y tế thì có thể dẫn đến nguy cơ dịch lây lan, tăng số ca mắc,” ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.

Về công tác thu dung, ngành Y tế thành phố xây dựng 4 kịch bản tương ứng với số lượng ca mắc mới/100.000 dân/tuần. Đối với kịch bản thứ nhất, nếu dịch kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng cấp độ 1 thì F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.

Trường hợp cần nhập viện sẽ được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Từ Dũ. Đây là tình huống tốt nhất để sống chung với COVID-19. 

Tình huống 2 sẽ tương ứng cấp độ dịch 2, đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. Trường hợp nhập viện sẽ vào các Bệnh viện Dã chiến số 13, số 16.

Ngoài ra, các bệnh viện thu dung bệnh nhân mắc COVID-19 cấp quận, huyện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 2 bệnh viện chuyên khoa nhi, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương sẽ tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. 

Tình huống 3 tương ứng số ca mắc mới ở cấp độ 3, các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động sẽ quản lý từ 50-100 F0, tương đương cần 135 trạm y tế lưu động.

Với bệnh nhân cần nhập viện, cả 3 bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16 tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, 3 bệnh viện hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115 và Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương) tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. 

Ở tình huống xấu nhất, đó là cấp độ dịch số 4, F0 vẫn tiếp tục cách ly tại nhà. Ngoài trạm y tế lưu động thì địa phương căn cứ số F0 để lập tổ COVID-19 cộng đồng.

Trường hợp cần nhập viện sẽ huy động toàn bộ bệnh viện, trung tâm hồi sức tham gia điều trị. Quận, huyện nào chưa có cơ sở điều trị thì phải lập bệnh viện dã chiến 300-500 giường. F0 nặng và nguy kịch sẽ được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến.

“Do đó, ước tính trong tình huống này, Thành phố cần chuẩn bị 16.000-19.000 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; 2.000 giường ICU. Cấp độ 4 là quay trở lại thời kỳ cách đây hơn 1 tháng khi thành phố hoạt động với công suất tối đa để điều trị bệnh nhân,” ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

Liên quan đến vấn đề nhiều chung cư vẫn đang xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người ra vào, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định, việc này là chưa đúng tinh thần Nghị quyết 128. 

Tương tự, theo Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, Quyết định 4800 yêu cầu xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ có khả năng lây nhiễm cao như bến xe, siêu thị, chợ đầu mối... và xét nghiệm theo hình thức tầm soát ngẫu nhiên.

Nhóm nguy cơ đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người như shipper, giao hàng… cũng chỉ cần xét nghiệm ngẫu nhiên. Quyết định này cũng quy định rõ chỉ xét nghiệm với người dân ở vùng cấp độ dịch 4 qua địa bàn khác hoặc cấp độ dịch 3 nhưng có nghi ngờ liên quan ca mắc COVID-19 (hoặc có triệu chứng nghi ngờ).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 6 giờ ngày 25/10/, có 425.674 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó có 425.162 trường hợp mắc trong nước, 512 trường hợp nhập cảnh.

Về tình hình thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 15.421 người; số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 4.825 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 539 người. Số ca xuất viện cộng dồn là 247.155 người. Số ca tử vong trong ngày là 40 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục