Trà Vinh, Kiên Giang tưng bừng chờ đón lễ hội Ok-om-bok

Ngày 17/11, hàng vạn người dân ở trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đã đổ về khu di tích văn hóa Ao Bà Om - nơi diễn ra lễ hội Ok-om-bok.

Ngày 17/11, (tức 15/10 âm lịch), hàng vạn người dân ở trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đã đổ về khu di tích văn hóa Ao Bà Om - nơi diễn ra lễ hội Ok-om-bok năm 2013 để trẩy hội.

Từ sáng sớm, không khí đã tưng bừng, tràn ngập cờ hoa; tiếng nhạc ngũ âm hòa cùng tiếng hò reo, cổ vũ của các trò chơi dân gian đã tạo nên không khí náo nhiệt, đậm chất lễ hội của tộc người Khmer.

Trà Vinh là một trong hai tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Sóc Trăng). Toàn tỉnh hiện có trên 300.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Lễ hội Ok-om-bok hay còn gọi là lễ cúng trăng là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok-om-bok và Chôl-Chhnam-Thmây) được tổ chức định kỳ hàng năm đúng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch với nhiều họat động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại.

Lễ hội ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có một bộ phận Việt kiều về thăm quê vào dịp lễ hội Ok-om-bok hàng năm.

Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc, sân chùa hay khuôn viên nhà theo nghi thức.

Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre, trúc có trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 quả, được chẻ vỏ như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.

Dưới cổng đặt 1 cái bàn gồm các sản vật như chuối, dừa, khoai, cốm dẹp…(sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp). Đúng vào đêm rằm tháng 10 âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu, mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng.

Khi trăng lên cao tỏa sáng, người chủ lễ (cụ già) bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần Mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…

Ở Trà Vinh, Ok-om-bok được công nhận là lễ hội cấp tỉnh, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa. Năm nay, Trà Vinh tổ chức lễ hội Ok-om-bok gắn với Hội chợ Lúa gạo và xúc tiến Thương mại- Du lịch.

Hội chợ đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu gần 400 gian hàng với nhiều mặt hàng nông sản, máy nông cụ, sản phẩm của các làng nghề, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu…

Ban tổ chức còn dành nhiều thời gian để các doanh nghiệp gặp gỡ, hội thảo thúc đẩy quảng bá các thương hiệu hàng hóa, dịch vụ; giới thiệu những chính sách ưu đãi và tiềm năng của Trà Vinh. Qua đó, kêu gọi và tạo điều tốt nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ hoạt động lễ hội Ok-om-bok, tại nhà thi đấu thể dục- thể thao, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức thi đấu giải bóng chuyền thanh niên dân tộc Khmer năm 2013.

Chiều 16/11 trên sông Long Bình - con sông đẹp nhất của thành phố Trà Vinh diễn ra cuộc đua ghe ngo, thu hút khoảng 15.000 người từ khắp nơi đến xem, cổ vũ 7 đội ghe ngo đại diện cho 7 huyện, thành phố trong tỉnh, tranh tài ở hai cự ly 800 mét và 1.200 mét. Đây là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, mang tính đồng đội cao, đã được khôi phục và phát triển mạnh những năm gần đây.

Vào đêm 17/11 (15/10 Âm lịch) tại khu di tích văn hóa Ao Bà Om, lễ hội Ok-om-bok sẽ chính thức được khai mạc.

Đêm lễ hội kéo dài như bất tận, đến khi thần Mặt trăng chuyển hẳn về hướng Tây mang theo niềm tin của hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh, đến khi ấy mọi người mới lưu luyến chia tay trở về với cuộc sống thường nhật và hẹn gặp lại nhau ở mùa lễ hội Ok-om-bok năm sau.

Cũng trong ngày 17/11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ VII-2013 đã khai mạc.

Sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn văn nghệ Khmer, thể dục nhịp điệu, thể dục cổ động, đua ghe ngo, đua thuyền truyền thống. Lễ cúng trăng (còn gọi là Ok-om-bok) được tổ chức tối cùng ngày tại sân khấu chính lễ hội. Riêng các hoạt động thi đấu bóng đá, bóng chuyền được diễn ra từ ngày 15/11.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer năm nay được Ban tổ chức đầu tư công phu với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại đây có các hoạt động liên hoan văn nghệ với sự tham gia của Đoàn ca nhạc nghệ thuật tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang, các đội văn nghệ Khmer các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; thi giàn thủy lục đẹp; hội chợ thương mại-triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; triển lãm tranh, ảnh, hiện vật, các gian hàng văn hóa ẩm thực cùng với hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian.

Giải đua thuyền truyền thống và đua ghe ngo đại hội thể dục thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ VII năm 2013-2014 diễn ra với 18 nội dung của thuyền nam, nữ 10 tay chèo, 20 tay chèo và 4 nội dung đua ghe ngo cự ly 800m, 1.000m nam, 800m, 600m nữ, gồm 32 đội tham gia; giải bóng đá U 21 mở rộng; giải bóng chuyền vô địch tỉnh Kiên Giang.

Các hoạt động của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ VII năm 2013 diễn ra đến hết ngày 18/11./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục