Tràn lan thuốc bảo vệ thực vật không nguồn gốc

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Hà Giang đã tịch thu, tiêu hủy hàng tạ giá đỗ của một số hộ dùng thuốc bảo quản thực vật để ngâm ủ.
Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Hà Giang vừa mở đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm sau đợt Tết Nguyên đán Canh Dần đã phát hiện nhiều mặt hàng ăn uống không rõ nguồn gốc như bia lon, thịt bò khô, mỳ tôm... đều quá hạn sử dụng.

Đặc biêt, đoàn đã phát hiện và tịch thu, tiêu hủy hàng tạ giá đỗ của một số hộ dùng thuốc bảo quản thực vật để ngâm ủ bán ra thị trường thu lời bất chính. Đó là các hộ Nguyễn Thị Lý, ở tổ 3 phường Ngọc Hà; Hoàng Văn Xanh, tổ 10, phường Trần Phú; Đỗ thị Ngoạn, ở tổ 6 phường Minh Khai, thị xã Hà Giang (Hà Giang).

Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện cả loại thuốc cấm lưu hành trên thị trường như thuốc SHS được nhập lậu ở nước ngoài mang về, thuốc có màu xanh lục, trong ống tiêm, có dung tích từ: 2ml, 5ml, 10ml.

Các hộ chỉ cần dùng 1 ống thuốc SHS 2ml có giá từ: 1,5 - 2.000 đồng/lọ. Thuốc được hòa với nước, sẽ ủ được từ 11-12kg đậu xanh, khi sử dụng thuốc loại này, các tư thương rất có lợi như: làm đỗ xanh nảy mầm nhanh hơn 1-2 ngày, thuốc làm giá tích nước, tăng 1,7 lần so với giá thường.

Chính vì lợi nhuận mà các hộ gian thương không từ bỏ thủ đoạn nào, kể cả tính mạng của người tiêu dùng.

Tại thời điểm hiện nay, các hộ đem giao buôn giá đỗ cho các hộ kinh doanh mặt hàng rau xanh, tại chợ trung tâm và các chợ lân cận trên địa bàn thị xã Hà Giang từ 16.000-17.000 đồng/kg; giá đem giao cho các cửa hàng ăn uống tại nhà hàng, khách sạn, hàng bún, hàng phở 22.000-24.0000 đồng/kg, nếu đem so sánh lúc giá thị trường ổn đinh bán từ 10.000-12.000 đồng/kg, thì các tư thương đã có lãi từ 10.000-12.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, cán bộ kỹ thuật, của Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, thuốc bảo vệ thực vật là loại thuốc màu xanh lục, đứng gần có mùi hăng hăng như thuốc sâu.

Người dân thường mua về để bơm vào thân cây, lá cây để diệt các côn trùng nên nó còn có tên gọi là "thuốc bón lá". Hiện chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm, nghiên cứu loại thuốc này có tác hại gì cho sức khỏe của con người.

Mặc dù đã có khuyến cáo của Bộ Y tế không được phép sử dụng loại thuốc này cho cây trồng, nhưng vì hám lợi, một số người dân vẫn lén lút sử dụng loại thuốc này để ủ giá đỗ, hoặc bơm vào các loại hoa quả như nhãn, cam, lê, táo... kéo dài thời gian hoa quả tươi./.

Lê Việt Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục