Tràn ngập những sắc màu rực rỡ ngày Xuân ở chợ hoa Cố đô Huế

Đến với cố đô Huế dịp Tết, du khách sẽ được thưởng ngoạn những sắc màu rực rõ ngày Xuân của hàng trăm loài hoa từ nhiều vùng miền.
Tràn ngập những sắc màu rực rỡ ngày Xuân ở chợ hoa Cố đô Huế ảnh 1Tràn ngập sắc hoa ở cố đô Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Từ sau 23 tháng Chạp, ở Cố đô Huế tràn ngập sắc hoa Tết. Người dân quanh vùng chở hoa bày bán dọc bờ bắc sông Hương, chợ hoa khu vực Nghinh Lương Đình, khu vực tiền sảnh Trung tâm Văn hoá thông tin tỉnh, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cung An Định...

Ở đây hội tụ hàng trăm loài hoa, từ hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân..., đến cả những giống hoa được đưa về từ xứ hoa Đà Lạt hay những vùng miền khác.

Tại các địa phương khác trong tỉnh cũng rộn ràng không kém với chợ mai xuân Điền Hòa và Hội hoa xuân, trung tâm vui xuân ở thị trấn Phong Điền. Tất cả tạo nên một không gian hoa rất riêng, đặc trưng cho xứ Huế.

Những ngày này, đi dạo chợ hoa Xuân đã trở thành một thói quen không thể thiếu đối với người Huế và du khách mỗi khi Tết về trên mảnh đất Cố đô.

Ở Huế, phổ biến nhất là hoa cúc, mỗi cặp hoa cúc cỡ vừa có giá 250.000-500.000 đồng, cặp to hơn có giá 1-2 triệu đồng. Hình thức mua bán cũng hết sức phong phú.

Hoa bày bán tại các chợ hoa là chủ yếu; tuy nhiên, không ít nơi người trồng hoa bán sỉ tại vườn, mới nhất là bán hàng qua mạng. Một kỹ sư nông nghiệp có địa chỉ ở 15/116 Khúc Thừa Dụ, Huế còn khoe bán được hoa tết qua quảng cáo trên facebook, với giá khoảng 200.000 đồng cho mỗi cặp hoa cúc mà mình trồng được.

Theo quan sát tại các chợ hoa, năm nay thời tiết thuận hoà nên rất thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán. Vào sáng 24 Tết (tức 12/2 dương lịch) tại chợ hoa lớn nhất thành phố Huế ở trước Phu Văn Lâu, hoa cúc Huế chiếm số lượng nhiều nhất, giá cả lại vừa phải, dao động trên dưới 500.000 một cặp vào loại to và đẹp nhất; còn lại dưới giá đó.

Anh Nguyễn Hòa, một người mua hoa cho biết năm nào nhà anh cũng mua cặp hoa cúc để chưng Tết, năm nay hoa cúc rẻ hơn năm trước nên rất dễ cho người mua lẫn người bán. Cúc đại đóa nếu mang từ Đà Lạt về thì giá cũng nhỉnh hơn từ 100.000-200.000 đồng/cặp so với cúc trồng ở Huế.

Ông Lê Văn Lự, người trồng hoa ở làng Phú Mậu, huyện Phú Vang trồng 10.000 gốc các loại cúc, 500 gốc lan mokara cùng 3.000 gốc hoa ly với nhiều màu khác nhau có xuất xứ từ Hà Lan và Chi Lê. Hoa ly cho giá trị kinh tế cao, mỗi gốc thường được bán giá 50.000 đồng.

Trong đó tiền giống và công cán khoảng 25.000 đồng. Chỉ riêng hoa ly, ông Lự đã thu lãi gần 80 triệu đồng. Lan mokara cho ra hoa thường xuyên, một năm ra từ 6 - 8 nhành. Đến tết, mỗi nhành dao động từ 10.000-15.000 đồng, mỗi cây có giá 250.000 đồng.

Toàn xã Phú Mậu trồng 13ha, với khoảng 500 hộ trồng hoa. Bà con chủ yếu trồng các loại hoa cúc, thược dược, vạn thọ... cung ứng quanh năm. Tết là thời điểm làng hoa rộn ràng nhất, người trồng hoa ở Phú Mậu từ ngày chuyển đổi những chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, hiệu quả canh tác từ 30 triệu đồng/ha đã tăng lên đến 130-140 triệu đồng/ha. Cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Phú Mậu đã trở nên khấm khá nhờ trồng hoa Tết.

Trong vòng hai năm trở lại đây, người Huế còn có thú chơi hoa Phong Lan ghép thành chậu, có thể là chậu sành hoặc chậu đóng bằng gỗ. Hao lan hồ điệp mang từ Đà Lạt về, nếu mỗi cành bán lẻ có giá 250.000 đồng, thì đưa vào chậu cho loại từ 5-7 cành giá cho mỗi cành chỉ còn lại khoảng 200.000 đồng (tức mỗi chậu có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng, kể cả chậu) nên lượng hoa này tiêu thụ rất mạnh.

Ngoài ra, các loại như quất Hội An là loại chiếm số lượng nhiều, với giá thấp nhất 500.000 đồng/cây loại nhỏ và cỡ 4 triệu đồng/cây lớn. Cúc mâm xôi đưa từ miền Bắc vào hoặc trong Nam ra cũng được người chơi ưa chuộng bởi giá khá rẻ, giao động từ 200.000-300.000 đồng/cặp.

Bên cạnh đó, hoa đào đưa từ Bắc vào loại nở đúng dịp, khá đẹp, giá từ 2,5 triệu đồng/cây trở lên.

Ở Huế còn có thú chơi công phu hơn cả là mai, nhưng phải là mai vàng có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Hoa mai chỉ dành cho mùa xuân cũng như hoa đào chỉ nở rộ khi Tết đến xuân về. Từ miền Trung trở vào, hầu như người ta chỉ chuộng hoa mai. Có lẽ người ta chuộng cốt cách thanh tao và yêu màu vàng vương giả của mai.

Mai Huế thường có bông nở ra 5 cánh, đăc biệt là có hương thơm rất đặc trưng. Mỗi dịp Tết, Huế lại là nơi mà hoa mai đua nhau khoe sắc, làm đẹp thêm cho mảnh đất Cố đô này.

Tuy nhiên, mai là một loài cây hết sức nhạy cảm với thời tiết trong khi Huế lại là một địa bàn có thời tiết khí hậu khá khắc nghiệt, nên để mai sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa đúng dịp là hết sức khó.

Trong những ngày Tết, người Huế chơi mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian, mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét sinh thái nhân văn truyền thống.

Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng chớm nụ chuẩn bị kheo sắc thì cũng là lúc những thành viên trong gia đình lại được tụ họp, quây quần bên nhau. Vì thế, mai vàng ngày Tết còn giúp ta giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Mấy năm nay, tham gia vào thị trường mai Tết còn có mai mang từ Bình Định ra, cũng có dáng và thế đẹp, nở rất đúng dịp, hoa rất nhiều cánh, giá lại rẻ, có khi chỉ bằng 1/3 hoa mai vàng của Huế dù bán rất chạy nhưng người sành chơi mai ở Huế không chuộng.

Các loại hoa Thạch thảo, Đỗ quyên xứ lạnh năm nay cũng được mang về bán ở Huế rất nhiều, làm phong phú thêm thị trường hoa Tết ở đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục