Trang trọng Lễ hạ nêu và khai ấn cung chúc tân Xuân tại Đại Nội Huế

Sau khi hạ cây nêu, Kim ấn (được mô phỏng phục chế) được lấy xuống từ ngọn cây nêu với bốn chữ "Phú-Thọ-Khang-Ninh" mang ý nghĩa giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên.

Lễ hạ nêu. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Lễ hạ nêu. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Sáng 16/2 (tức Mùng 7 tháng Giêng), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ hạ nêu và khai ấn cung chúc tân Xuân Giáp Thìn 2024 tại Triệu Miếu và Thế Miếu thuộc Đại Nội Huế.

Theo đúng nghi thức xưa, lễ hạ nêu được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện trang trọng, bao gồm các phần như: cúng nêu, nhạc lễ và tiến hành hạ cây nêu dựng vào ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu và Thế Miếu, nơi thờ các chúa Nguyễn.

Đây là nghi thức tại hoàng cung triều Nguyễn nhằm đánh dấu kỳ nghỉ Tết kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới.

Sau khi hạ cây nêu, Kim ấn (được mô phỏng phục chế) được lấy xuống từ ngọn cây nêu với bốn chữ "Phú-Thọ-Khang-Ninh" mang ý nghĩa giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên. Những chữ này người xưa quan niệm cầu chúc yên ổn, tốt lành, trường tồn cho đất nước, may mắn, ấm no cho nhân dân.

Ngay sau đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nghi thức khai ấn cung chúc tân Xuân, khai chữ đầu năm tặng du khách khi đến thăm khu Di sản Hoàng cung Huế.

Kim ấn được đóng vào các bức thư pháp có viết chữ Phúc, Lộc, Thọ, Cát tường, Bình an… mang thông điệp, lời chúc về những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới đối với du khách, người dân khi xin chữ trong ngày đầu năm.

Du khách cảm thấy hào hứng khi không chỉ hiểu thêm về nét văn hóa triều Nguyễn mà còn may mắn vì được tặng chữ dịp Năm mới.

Dù từng được học trong lịch sử nhưng lần đầu tiên đến Huế, bà Trần Ngọc Bích (Việt kiều Hoa Kỳ) cảm thấy thêm yêu những di tích. Bà vui mừng vì không chỉ các di tích còn lưu giữ khá nguyên vẹn mà nghi thức triều Nguyễn như lễ hạ nêu, khai ấn được tái hiện hài hòa giữa nét cổ truyền và sự tân tiến, hiện đại mang không khí vui tươi của mùa Xuân.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nguyễn Phước Hải Trung cho biết hoạt động văn hóa truyền thống được tái hiện với các nghi thức tương tự như dưới triều Nguyễn, bảo tồn và phát huy trong nhiều năm qua. Hoạt động mang tính chất vui tươi, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm dịp đầu Năm mới.

Trong 3 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khoảng 105.000 du khách đến tham quan Quần thể Di sản Huế, trong đó có hơn 12.000 du khách quốc tế.

Những ngày này, Đại Nội Huế mở cửa miễn phí đối với du khách trong nước và tổ chức nhiều hoạt động tái hiện Tết hoàng cung xưa như trình diễn thư pháp, tiểu nhạc, trò chơi cung đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục