Trao 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Lễ bàn giao gần 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ bàn giao gần 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay 22/6, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã bàn giao gần 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu cho Hội Nông dân Việt Nam. Bộ đồ dùng thiết yếu sẽ được Hội Nông dân trao cho phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực giới do hệ quả của đại dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Kể từ ngày 17/4, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng tới nhiều tỉnh và thành phố trên khắp Việt Nam, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giống như tại nhiều nơi trên thế giới, các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội được áp dụng nhằm kiểm soát đại dịch có xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, gây ảnh hưởng đáng kể tới nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Áp lực xã hội và gia đình do hệ quả các các biện pháp ngăn chặn COVID-19, mất việc làm, tình trạng bất ổn và thu nhập hộ gia đình giảm khiến cho phụ nữ càng dễ bị tổn thương trước vấn đề bạo lực gia đình.

Bộ đồ dùng thiết yếu là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA và việc bàn giao bộ đồ dùng thiết yếu đã được thực hiện với sự hợp tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chính phủ Australia và Chính phủ Nhật Bản. Mục đích của hoạt động này nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng.

[Hơn 160 tỷ đồng hỗ trợ VN chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em]

Phát biểu tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Gìn giữ nhân phẩm là cơ sở thiết yếu giúp duy trì cảm giác tự trọng và tự tin, hai yếu tố cần thiết để ứng phó với các tình huống căng thẳng hay thậm chí là khủng hoảng nhân đạo. Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, lòng tự trọng và nhân phẩm trong đại dịch COVID-19."

Trao 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ảnh 1Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Naomi Kitahara cho biết thêm: "Tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, đều có quyền sống một cuộc sống không có bạo lực và việc hỗ trợ để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của họ phải được ưu tiên thực hiện trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Điều này nhằm đảm bảo mọi người dân đều là một phần trong quá trình phát triển biền vững của đất nước và không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gửi lời cảm ơn tới tổ chức UNFPA tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chính phủ Australia và Chính phủ Nhật Bản về sự hỗ trợ kịp thời này.

“Bộ đồ dùng thiết yếu, đặc biệt là thông tin và kiến thức về cách tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực giới là rất hữu ích đối với phụ nữ. Hội Nông dân Việt Nam cam kết sẽ trao ngay bộ đồ dùng thiết yếu tới những phụ nữ đang cần. Dự kiến sẽ giao 2.397 bộ đồ dùng thiết yếu cho tỉnh Bắc Giang, 1.438 bộ cho tỉnh Bắc Ninh và 1.259 bộ cho Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Nguyên Xuân Định cho biết./.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực. Khoảng 48% phụ nữ không nói với bất kỳ ai về vấn đề bạo lực họ đang gánh chịu, và 90,4% không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Tổn thất năng suất lao động tổng thể do bạo lực gây ra đối với phụ nữ ước tính chiếm 1,81% GDP vào năm 2018.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục