16 bộ phim ngắn do chính các bạn trẻ viết kịch bản, sản xuất xung quanh chủ đề an toàn của trẻ em gái đã được trao giải thưởng. Các tác phẩm này đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau của các bạn trẻ về vấn về xâm hại, quấy rối trẻ em gái từ những câu chuyện, tình huống có thật trong đời sống.
[Quấy rối tình dục với trẻ em gái qua lăng kính của giới trẻ]
Đây là kết quả được công bố tại lễ công bố trao giải cuộc thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố” do tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức ngày 2/3 tại Hà Nội.
Sau 3 tháng phát động, cuộc thi thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố” đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ tại Hà Nội, đã có 50 tác giả, nhóm tác giả gửi 58 kịch bản dự thi. Nội dung các tác phẩm tập trung phản ánh các tình huống mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng, trong trường học, tại gia đình và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Ban giám khảo đã lựa chọn 20 kịch bản để sản xuất thành phim ngắn. Không chỉ đơn thuần phản ánh các tình huống, các phim ngắn còn đề cập đến hậu quả của hành vi xâm hại tình dục trẻ em gái. Các tác phẩm này đã mang được những thông điệp, kiến thức đến với khán giả về thực trạng và cách ứng phó với vấn đề bạo lực giới đối với trẻ em gái.
Từ 20 phim ngắn, ban giám khảo đã lựa chọn ra 16 tác phẩm đoạt giải gồm: 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Cuộc thi năm nay không có giải Nhất. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là gần 140 triệu đồng.
Các phim ngắn đoạt giải Nhì gồm: “Chuyến xe cuối cùng" của tác giả Vũ Trần Minh, “Tôi cũng có một người em gái” của tác giả Nguyễn Hạnh Nguyên, “Chuyện của An” của nhóm tác giả Chai thời gian.
Ba tác phẩm đoạt giải Ba gồm: “Quá khứ-Tôi-Hiện tại” của nhóm tác giả Thảo Hoàng, “Khi một người lên tiếng” của tác giả Đàm Thúy Hằng, ‘Một cái vỗ nhẹ” của nhóm tác giả Đức Văn .
Cuộc thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố” được phát động để các bạn trẻ có thêm cơ hội lên tiếng thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa các hành vi bạo lực giới, đặc biệt với các em gái,.
Cuộc thi không chỉ là sân chơi để các bạn trẻ học sinh trung học phổ thông, sinh viên (độ tuổi từ 18-25) đang học tập tại Hà Nội thể hiện tài tăng viết kịch bản, sản xuất phim mà còn là cơ hội để các bạn trẻ có thể tham gia tạo nên sự thay đổi vì một thành phố an toàn hơn với trẻ em gái và mọi người. Các phim ngắn được đăng tải trên chuyên mục “An toàn của trẻ em gái” tại website http://www.unews.vn./.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Plan International Việt Nam, trong số gần 1.200 các em gái được thì hỏi có 31% đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Đáng buồn hơn, có tới 45% số người được hỏi không làm gì khi nhìn thấy các em gái bị quấy rối ở nơi công cộng và 20% hành khách trên xe buýt không can thiệp khi chứng kiến những hành động sai trái đó.