Trẻ em Cuba gấp hạc giấy tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử

1.000 con hạc giấy tương trưng cho thông điệp về một thế giới không có bom nguyên tử, như mong ước của cô bé Nhật Bản Sadako - biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân.
Trẻ em Cuba gấp hạc giấy tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ảnh 1Tháp Senbazuru. (Nguồn: World Nation News)

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, nhân kỷ niệm 78 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, các em học sinh tiểu học ở tỉnh miền Tây Cuba Matanzas đã gấp 1.000 con hạc giấy để đặt tại Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em ở Hiroshima.

Bộ Ngoại giao Cuba ngày 7/8 cho biết đây là một trong nhiều hoạt động nhằm tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa bom nguyên tử tại Nhật Bản.

Trong thông điệp nhân dịp này, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định chỉ có một cách duy nhất để tránh lặp lại bi kịch nêu trên, đó là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

[Nhật Bản đề cử 1.000 con hạc giấy Sadako thành Di sản Văn hóa UNESCO]

Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cuba tại Nhật Bản Dairon Ojeda nhấn mạnh 1.000 con hạc giấy tương trưng cho thông điệp về một thế giới không có bom nguyên tử, như mong ước của cô bé Nhật Bản Sadako - biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân.

Sadako Sasaki là một bé gái 12 tuổi người Nhật Bản qua đời vì bệnh bạch cầu do nhiễm phóng xạ từ quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima vào năm 1945, khi em mới chỉ 2 tuổi.

Em được nhớ đến như một biểu tượng thắp sáng hy vọng cho những bệnh nhân ung thư máu nói chung và do bị phơi nhiễm phóng xạ nói riêng ở Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới, vì đã gấp hơn 1.000 con hạc giấy origami trên giường bệnh với niềm tin rằng chúng sẽ giúp em hồi phục.

Sau khi Sadako qua đời ngày 25/10/1955, các bạn học của cô bé đã quyên góp để xây dựng một đài tưởng niệm cho Sadako và những trẻ em là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử năm 1945.

Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em, còn được gọi là “Tháp Senbazuru” (ngàn cánh hạc), khánh thành năm 1958 cùng dòng chữ: “Đây là lời kêu gọi của chúng tôi. Đây là lời cầu nguyện của chúng tôi. Hòa bình cho thế giới.”

Gấp hạc giấy và đặt tại chân đài tưởng niệm để cầu mong cho hòa bình cũng trở thành một truyền thống không chỉ của trẻ em Nhật Bản mà còn trở thành một biểu tượng hòa bình trên thế giới.

Cho đến ngày nay, những con hạc giấy vẫn tiếp tục được gấp và được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới để đặt dưới chân Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục