Trí thức kiều bào chung sức xây dựng đất nước

Trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước là nội dung hai hội nghị chuyên đề tại Hội nghị về người VN ở nước ngoài.
Chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước là nội dung hai hội nghị chuyên đề tại Hội nghị về người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất diễn ra từ 21 - 23/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Tại các hội nghị này, các đại biểu Việt kiều đã được cung cấp thông tin đầy đủ, sâu rộng về các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào ở nước ngoài, về tình hình trong nước; đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng, đóng góp những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước, với mong muốn được góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Chiều 21/11 và sáng 22/11, Hội nghị chuyên đề “Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước” được tổ chức với sự tham dự của gần 150 đại biểu Việt kiều và hơn 60 đại biểu các bộ, ngành trong nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đồng chủ trì phiên họp.

Sau bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Lê Đình Tiến và phần giới thiệu tóm tắt đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài” của đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, 10 bài tham luận của các đại biểu đã lần lượt được trình bày, xoay quanh một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, trí thức kiều bào cũng như đội ngũ trí thức trong nước.

Các đại biểu đều cho rằng, tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Đặc biệt, cần phải có chính sách ưu tiên cho giáo dục, đào tạo trí thức ở nước ngoài để trở về phục vụ đất nước.

Về những chính sách liên quan đến kiều bào, các đại biểu đề xuất nên tham khảo ý kiến của kiều bào. Nhà nước cần có những biện pháp để những chính sách đã ban hành được thực thi có hiệu quả, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết các thủ tục hành chính với đối với kiều bào.

Chiều 22/11, dưới sự chủ trì của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, hội nghị chuyên đề 4 “Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước” đã kết thúc.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh kinh tế của doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào để điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong hợp tác kinh tế giữa trong và ngoài nước. Đồng thời, hội nghị là còn cơ hội để các địa phương và doanh nghiệp trong nước trao đổi, gặp gỡ với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự hội nghị có 450 đại biểu, trong đó có 336 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư, kinh doanh tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 23 doanh nghiệp trong nước và 91 đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phiên khai mạc buổi sáng do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng chủ trì, đã tập trung thông tin đến các doanh nghiệp về các chính sách thương mại, thuế quan, đầu tư, đặc biệt là những ưu đãi đầu tư và các dự án lớn đang triển khai trong nước nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nhân kiều bào nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là nội dung được rất nhiều doanh nghiệp kiều bào quan tâm và hưởng ứng tích cực trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh về trong nước.

Các phát biểu của đại biểu doanh nhân tập trung thông báo tình hình hoạt động và phát triển của các Hội, đóng góp của doanh nghiệp kiều bào với đất nước trong những năm qua, đồng thời kêu gọi đầu tư vào một số thị trường tiềm năng đang để ngỏ ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng đã có thời gian trao đổi, đưa ra những vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính và ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp kiều bào trong các lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.

Sáng 22/11, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức Lễ vinh danh doanh nhân kiều bào tiêu biểu. Tại đây, 10 doanh nhân kiều bào có thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài và đóng góp đáng kể thông qua các dự án lớn trong nước đã được tôn vinh và ghi nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục