Trí tuệ Nhân tạo: Lợi ích lớn hay "lời nguyền" với nền kinh tế?

Nhóm ủng hộ cho rằng AI có thể tạo ra một bước tiến nhảy vọt về năng suất, sản sinh của cải vật chất lớn hơn, tuy nhiên một số chuyên gia lo ngại AI có thể can thiệp sai lệch vào cuộc sống con người.
Trí tuệ Nhân tạo: Lợi ích lớn hay "lời nguyền" với nền kinh tế? ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Vào thời trung cổ, mặc dù đã có những cải tiến trong công cụ làm nông nghiệp, song nông dân ở châu Âu vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh nghèo đói.

Nguyên nhân chủ yếu do giai cấp thống trị chiếm đoạt thành quả lao động của họ và sử dụng của cải được làm ra để xây dựng các công trình nhà thờ lớn.

Thế giới đang đứng ở ngã ba đường

Các nhà kinh tế học cho rằng một viễn cảnh tương tự có thể xảy ra trong thời hiện đại nếu trí tuệ nhân tạo (AI) can thiệp vào cuộc sống của con người theo chiều hướng sai lệch, khi chỉ một nhóm thiểu số được hưởng lợi từ các ứng dụng của AI.

Simon Johnson, Giáo sư ngành Kinh tế học và Quản trị toàn cầu tại Trường MIT Sloan (Mỹ), nhận định: “AI có rất nhiều tiềm năng, nhưng tiềm năng được nói đến ở đây có thể đi theo hai hướng đối lập."

Nhóm ủng hộ AI trên thế giới cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra một bước tiến nhảy vọt về năng suất, sản sinh của cải vật chất lớn hơn và nâng cao mức sống của người dân.

Vào tháng Sáu vừa qua, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey ước tính AI có thể giúp tăng lợi nhuận hằng năm lên thêm từ 14-22.000 tỷ USD, con số gần bằng quy mô nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Thậm chí, một vài cá nhân thuộc nhóm lạc quan công nghệ còn tin rằng AI sẽ là thành tựu công nghệ có khả năng giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán, mở ra một cuộc sống với nhiều cơ hội sáng tạo hơn và nhàn rỗi hơn.

Liệu năng suất có thực sự gia tăng?

Rất nhiều mối lo ngại về tác động tiêu cực của AI đối với nền kinh tế đã được nêu ra, bao gồm nguy cơ cắt giảm nhân lực trong tất cả các lĩnh vực. Điển hình phải nhắc đến là cuộc đình công của các diễn viên tại Hollywood diễn ra vào tháng Bảy vừa qua, do lo sợ họ có thể mất việc vào tay “diễn viên AI."

Những mối lo ngại như trên không phải là không có cơ sở. Lịch sử đã cho thấy tác động của công nghệ mới đối với lĩnh vực kinh tế thường không bền vững, không đồng đều và đôi khi gây ra hậu quả xấu.

Trong năm 2023, Giáo sư Simon Johnson cùng người đồng nghiệp - Nhà Kinh tế học Daron Acemoglu - đã xuất bản một cuốn sách nghiên cứu 1.000 năm lịch sử phát triển của công nghệ, xem xét từ sự ra đời của máy cày cho đến các dịch vụ thanh toán tự động.

Cuốn sách đi sâu vào khai thác mức độ thành công của công nghệ trong việc tạo ra việc làm và của cải vật chất cho người dân.

Theo đó, vào thế kỷ 18, việc phát minh máy kéo sợi Jenny từng được ví như chìa khóa mở ra kỷ nguyên tự động hóa cho ngành dệt may. Tuy nhiên, hai nhà khoa học thấy rằng chiếc máy đã dẫn đến tình trạng công nhân phải làm việc trong thời gian dài hơn, trong điều kiện lao động khắc nghiệt hơn.

Một ví dụ khác với tác động rất tiêu cực có thể kể đến là máy tách hạt bông, ra đời vào thế kỷ 19, đã trở thành một trong số các yếu tố kéo dài chế độ nô lệ để duy trì nền kinh tế nông nghiệp tại khu vực Nam Mỹ.

Nhìn lại sự ra đời của Internet, không thể phủ nhận rằng công nghệ mới này đã tạo ra nhiều công việc hơn cho thị trường lao động. Nhưng Internet cũng có mặt trái của nó. Theo đó, phần lớn lợi nhuận được sinh ra do ứng dụng Internet chỉ rơi vào túi một số ít các tỷ phú giàu có.

Hơn nữa, mặc dù Internet từng được ca ngợi là yếu tố góp phần thúc đẩy gia tăng năng suất nhưng hiện nay, mức gia tăng ở nhiều nền kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại.

Trí tuệ Nhân tạo: Lợi ích lớn hay "lời nguyền" với nền kinh tế? ảnh 2Học sinh trung học của Trường Pascal ở Nicosia, Síp đang sử dụng một robot ChatGPT, ngày 30 tháng 3 năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Một nghiên cứu do Ngân hàng Natixis (Pháp) tiến hành vào tháng Sáu vừa qua đã tiết lộ nguyên nhân của tình trạng này là do có nhiều lĩnh vực trong cuộc sống mà Internet vẫn chưa thể chạm tới.

Bên cạnh đó, những công việc mà Internet tạo ra lại thường không đòi hỏi lao động phải có trình độ cao - ví dụ như dịch vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động mua sắm trực tuyến.

“Tóm lại là chúng ta cần cẩn trọng khi tiến hành đánh giá các tác động của AI đối với năng suất lao động," Natixis cảnh báo.

[Các tập đoàn đa quốc gia sử dụng AI để quản lý chuỗi cung ứng]

Trong một nền kinh tế đã toàn cầu hóa mạnh như hiện nay, câu hỏi liệu tiềm năng của AI có được phát huy đồng đều ở các lĩnh vực hay không, đã trở thành một thắc mắc chính đáng.

Một mặt, có nguy cơ sẽ xuất hiện một “cuộc đua xuống đáy” khi các quốc gia thi nhau nới lỏng quy định quản lý để thu hút đầu tư vào AI. Mặt khác, sẽ có những rào cản được dựng nên trong quá trình hút đầu tư, với tác động làm cho nhiều nước nghèo bị tụt hậu về khả năng AI.

Stefano Scarpetta, Giám đốc Ban Quản lý Việc làm, Lao động và Công tác Xã hội tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Pháp, nhận định: “Để theo kịp cuộc đua này, bạn cần phải có một nền tảng vững chắc – đó chính là năng lực điện toán khổng lồ."

Mối lo ngại về quyền lợi của người lao động

Nhìn chung, bản chất của hoạt động đổi mới rất đơn giản. Cái khó ở đây là làm sao để tất cả được hưởng lợi từ sự đổi mới. Đó chính là lúc cần có sự can thiệp của chính trị.

Theo Giáo sư Johnson, một bộ phận đông đảo người dân nước Anh đã được hưởng lợi từ sự ra đời của hệ thống đường sắt (thế kỷ 19), vào thời điểm những cải cách dân chủ đang diễn ra nhanh chóng, biểu hiện ở việc thực phẩm tươi sống được vận chuyển nhanh chóng hơn, hay người dân được trải nghiệm du lịch giải trí tốt hơn.

Tương tự như vậy, trong thế kỷ 20, lợi ích dân chủ đã cho phép hàng triệu người dân được tận hưởng thành quả của các tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Johnson, điều này dần thay đổi kể từ khi chủ nghĩa tư bản cổ đông (stakeholder capitalism) xuất hiện, nhất là trong 4 thập kỷ trở lại đây.

Chủ nghĩa tư bản cổ đông đề cao tư duy cho rằng các công ty tồn tại để tối đa hóa lợi nhuận của các cổ đông.

Giáo sư Johnson chỉ ra rằng những thứ như dịch vụ thanh toán tự động là một biểu hiện rõ nét nhất cho xu thế này. Hàng hóa không hề rẻ đi sau khi hệ thống thanh toán tự động ra đời. Đời sống của người tiêu dùng không được cải thiện, người dân cũng không có thêm nhiều cơ hội việc làm. Chỉ có các công ty tăng thêm lợi nhuận, nhờ cắt giảm chi phí nhân công.

Trí tuệ Nhân tạo: Lợi ích lớn hay "lời nguyền" với nền kinh tế? ảnh 3Học sinh trung học Konstantinos Timinis làm việc trên "Alnstein", một robot ChatGPT, tại trường Pascal ở Nicosia, Síp, ngày 30 tháng 3 năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Các nhóm công đoàn, vốn đã mất đi nhiều ảnh hưởng kể từ những năm 1980, coi AI là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền lợi cũng như việc làm của người lao động.

Ví dụ họ nêu ra viễn cảnh AI có quyền phụ trách công tác tuyển dụng và sa thải nhân công. Vì lý do này, giới lãnh đạo công đoàn tại nhiều nước phát triển đã bày tỏ mong muốn được tham gia vào các cuộc thảo luận và có tiếng nói lớn hơn về việc áp dụng công nghệ mới tại các nơi làm việc.

Một cuộc khảo sát tiến hành bởi OECD với sự tham gia của khoảng 5.300 công nhân vừa được công bố vào tháng Bảy mới đây đã chỉ ra rằng AI có khả năng mang lại những lợi ích cho người lao động ở các khía cạnh như sức khỏe, tiền lương, sự hài lòng trong công việc.

Mặt khác, công nghệ này vẫn tiềm ẩn những rủi ro xoay quanh vấn đề quyền riêng tư, làm trầm trọng hóa định kiến trong môi trường làm việc và gây ra tình trạng công nhân phải lao động quá sức.

“Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu AI có làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng hiện nay hay không? Hoặc ở chiều ngược lại, liệu nó có đưa ta đến với những giá trị công bằng hơn không?" Giáo sư Johnson chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục