Triển khai nhiều giải pháp vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em

Các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với những cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực với mục đích đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một nội dung cơ bản trong Chiến lược con người đã và đang được Đảng, Nhà nước chú trọng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một nội dung cơ bản trong Chiến lược con người đã và đang được Đảng, Nhà nước chú trọng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với những cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực với mục đích đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Đảm bảo an toàn cho học sinh tại các trường phổ thông

Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên, gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được quan tâm. Đây đó còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý. Các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trên môi trường mạng...

Từ thực tế đó, cuối năm 2019, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức giám sát việc đảm bảo an toàn cho học sinh trường dân tộc nội trú tại hai tỉnh Sóc Trăng và Hà Giang.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Qua giám sát tại hai tỉnh, chưa phát hiện trường hợp học sinh bị xâm hại trong các trường nội trú. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra ngoài nhà trường khá nhiều và theo chiều hướng ngày càng gia tăng với các vụ việc phức tạp.

Việc phòng, chống bạo lực học đường được Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Thực tế cũng có một số em còn trốn ra khỏi trường, bỏ đi làm trong một thời gian hoặc chơi game... Đây là những mối nguy cơ gây mất an toàn cho các em và cũng là khó khăn cho Ban Giám hiệu cùng các thầy, cô trong việc quản lý về sự an toàn của học sinh.

[Việt Nam nỗ lực xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em]

Tại Hà Giang, hầu hết các trường dân tộc nội trú hiện đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Một số trường chưa đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo chuẩn quy định.

Các trường do Ủy ban Nhân dân huyện quản lý thường có cơ sở vật chất cũ, xuống cấp, điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh hạn chế... Sau giám sát, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Báo cáo số 414/BCGS-ĐCT về kết quả giám sát, đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thiện và đảm bảo triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định liên quan đến an toàn cho học sinh trường dân tộc nội trú.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận lo lắng về việc đạo đức xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong hai năm 2017-2018, cả nước xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó, 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại.

Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu, chất vấn. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thống nhất lựa chọn chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống  xâm hại trẻ em" để giám sát tối cao trong năm 2020.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện giám sát hai vụ việc đơn thư gửi đến Hội, bao gồm: Vụ việc bé gái bị bố dượng xâm hại tại Lào Cai và việc em L.T.T bị Nguyễn Văn Hợi hiếp dâm tại tỉnh Hưng Yên.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Qua nghiên cứu hồ sơ, giám sát quá trình giải quyết vụ việc, Trung ương Hội nhận thấy, việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa khách quan, chưa đảm bảo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Trung ương Hội đã có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời, lên tiếng trên báo Phụ nữ Việt Nam.

Đối với vụ việc bé gái bị bố dượng xâm hại tại Lào Cai, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định, vụ án có dấu hiệu của tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên phạt bị cáo về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” và tuyên phạt bị cáo 5 năm tù.

Trung ương Hội đã ban hành văn bản kiến nghị gửi Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại, giải quyết vụ án khách quan, công bằng, theo đúng quy định pháp luật.

Trên sơ sở đó, Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trực tiếp trao đổi với mẹ cháu bé, nắm thông tin, tình hình sức khỏe, tâm lý của cháu; động viên, tư vấn pháp lý cho chị; đồng thời, ban hành văn bản kiến nghị Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV đưa vụ việc này vào kế hoạch giám sát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là trẻ em gái.

Kết quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Lào Cai đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” để khởi tố vụ án “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.”

Ngày 10/1/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Bình 17 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.”

Đối với vụ em L.T.T. nghi bị Nguyễn Văn Hợi hiếp dâm tại tỉnh Hưng Yên, nhận thấy nạn nhân là người bị khuyết tật trí tuệ, Trung ương Hội xác minh vụ việc, làm việc với đại diện chính quyền địa phương và gặp gỡ gia đình nạn nhân.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiếp đại diện gia đình và hướng dẫn làm các thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội, trợ giúp các vấn đề pháp lý cho em T. Đồng thời, Trung ương Hội chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên giám sát việc giải quyết vụ việc tại các cơ quan có thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em T. Hội Liên hiệp Phụ nữ Hưng Yên ban hành công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nhờ đó, em T. đã được hỗ trợ, hướng dẫn làm thủ tục xác nhận người khuyết tật, được trợ giúp pháp lý miễn phí. Cơ quan chức năng đã giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục