Triển vọng 10 xu thế lớn của kinh tế Trung Quốc năm 2021

Theo dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 8,8%, với 10 xu thế đáng chú ý trong năm 2021.
Triển vọng 10 xu thế lớn của kinh tế Trung Quốc năm 2021 ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một dây chuyền sản xuất ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 31/12/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo báo cáo nghiên cứu của công ty kiểm toán KPMG, năm 2020 sắp khép lại và dịch COVID-19 chắc chắn là một sự kiện "Thiên nga đen" - sự kiện không thể đoán trước và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế thế giới.

Bước vào thời điểm cuối năm, có thể tổng kết và phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc dưới nhiều góc độ khác nhau.

Nếu tổng kết dưới góc độ vòng tuần hoàn bên trong và vòng tuần hoàn quốc tế (tuần hoàn kép), thì đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay có thể được gói gọn trong cụm từ "vượt kỳ vọng," cả ngoại thương và vốn đầu tư nước ngoài đều vượt dự đoán.

Trong giai đoạn tháng 1-10/2010, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tính theo USD của tháng Mười tăng 2 con số so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2019.

[Chính sách quyết định thành bại chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc]

Ngược lại, số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 14% trong 6 tháng đầu năm 2020, và dự báo giảm 9,2% trong cả năm.

Từ đó có thể đưa ra dự đoán, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên thế giới đã tăng khoảng 2,7 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái, đạt 16,7%.

Khi dịch COVID-19 vừa bùng phát vào đầu năm, một vấn đề được các giới đặc biệt quan tâm là liệu vốn đầu tư nước ngoài có tháo chạy ra khỏi Trung Quốc với quy mô lớn hay không. Việc một số quốc gia đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp nước mình chuyển dịch đầu tư cũng làm tăng thêm mối lo ngại này.

Tuy nhiên, trên thực tế, thu hút đầu tư nước ngoài năm nay của Trung Quốc đã thực hiện sự tăng trưởng ngược hiếm hoi, theo đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc từ tháng 1-10 năm nay tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tỷ lệ này đã tăng lên mức 2 con số trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy đầu tư nước ngoài toàn cầu giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm, đồng thời dự đoán sẽ giảm khoảng 30-40% trong cả năm.

Logic đằng sau của hai "vượt kỳ vọng" này tương tự nhau. Thông qua áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, Trung Quốc đã khống chế được tình hình dịch bệnh trước tiên, đồng thời dẫn đầu trong việc phục hồi sản xuất.

Trong khi đó, rất nhiều nước trên thế giới chậm trễ, không thể kiểm soát hiệu quả và triệt để sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất bị hạn chế.

Đồng thời, để ổn định nền kinh tế, rất nhiều nước phát triển đã lần lượt ban hành chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, việc nhu cầu tiêu dùng ở thị trường nước ngoài vẫn tương đối mạnh, nhưng sản xuất không đáp ứng đủ nên đã làm gia tăng sự phụ thuộc đối với sản xuất, đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 8,8%, với 10 xu thế đáng chú ý trong năm 2021.

Tiêu dùng trở thành động lực chủ chốt cho sự phục hồi của giai đoạn kế tiếp

Sản xuất, đầu tư và xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trong năm 2020, nhưng tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng có liên quan đến ngành dịch vụ phục hồi chậm và tụt hậu so với sản xuất.

Từ quý 3 đến nay, tình hình việc làm liên tục được cải thiện, thu nhập khả dụng bình quân đầu người cả nước đã phục hồi trở lại mức cùng kỳ của năm trước, thực hiện sự tăng trưởng dương.

Kinh tế tiếp tục phục hồi sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời cùng với trạng thái bình thường hóa của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiềm lực tiêu dùng sẽ được giải phóng, ngành tiêu dùng và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi tăng trưởng, từ đó trở thành động lực chủ yếu cho phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Tốc độ đầu tư của ngành sản xuất tăng trưởng nhanh

Sau dịch bệnh, ngành sản xuất dẫn đầu phục hồi tăng trưởng, các biện pháp giảm thuế hạ phí do chính phủ ban hành đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp phục hồi tăng, doanh nghiệp bắt đầu bổ sung chu kỳ tồn kho.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong thời gian gần đây cũng duy trì phạm vi mở rộng và liên tục tăng, PMI ngành sản xuất tháng 11/2020 của Caixin đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây cho thấy ngành sản xuất sẽ duy trì xu thế tăng trưởng trong thời gian tới.

Xét về trung và dài hạn, "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" kiến nghị nhấn mạnh ngành sản xuất là trọng điểm của phát triển kinh tế, đề xuất đẩy nhanh phát triển ngành sản xuất hiện đại, xây dựng cường quốc sản xuất. Có thể nhận định rằng đầu tư của ngành sản xuất, đặc biệt là đầu tư của ngành sản xuất công nghệ cao thúc đẩy nâng cấp sản xuất sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh, trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy đầu tư.

Tốc độ xuất khẩu được duy trì

Vật tư phòng dịch, y tế và các sản phẩm liên quan do "nền kinh tế ở nhà" thúc đẩy như máy tính, đồ gia dụng, thiết bị luyện tập sức khỏe… là hai động lực chính của xuất khẩu năm nay của Trung Quốc.

Ngoài ra, việc các thị trường mới nổi bị dịch bệnh tấn công, năng lực sản xuất bị ảnh hưởng và Trung Quốc là căn cứ sản xuất phục hồi đầu tiên nên một phần đơn đặt hàng của toàn cầu chuyển dịch sang Trung Quốc cũng đã thúc đẩy xuất khẩu năm nay tăng trưởng.

Do tình hình dịch bệnh vẫn đang lây lan ở nhiều nước, thời gian tới những lỗ hổng về sản xuất và tiêu dùng của thị trường nước ngoài vẫn còn tồn tại, dự báo xuất khẩu của Trung Quốc năm 2021 vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng tương đối cao. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 sẽ thể hiện rõ xu thế cao trước thấp sau.

Việc vắcxin ngừa COVID-19 được phổ biến rộng rãi vào 6 tháng cuối năm sẽ giúp nền kinh tế thế giới từng bước bình thường hóa, sản phẩm phòng dịch và các đơn hàng thay thế xuất khẩu tạm thời sẽ giảm xuống, điều này cũng làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm.

Chính sách tiền tệ và tài khóa từng bước bình thường hóa

Khác với kế hoạch kích thích tài khóa, tiền tệ quy mô lớn mà nhiều nước đưa ra, một đặc điểm nổi bật trong lần ứng phó dịch bệnh lần này của Chính phủ Trung Quốc chính là áp dụng chính sách kích thích tương đối thận trọng.

Chẳng hạn, kế hoạch kích thích tài khóa mà Chính phủ Mỹ đưa ra để ứng phó với dịch bệnh hiện nay đã lên đến khoảng 3.000 tỷ USD, hơn 14% GDP kinh tế Mỹ. Ngược lại, chương trình kích thích tài khóa của Trung Quốc chưa đến 6% GDP.

Dự đoán, cùng với việc nền kinh tế dần phục hồi, chính sách tiền tệ và tài khóa năm 2021 của Trung Quốc sẽ từng bước được bình thường hóa, chẳng hạn kể từ khi cải cách mở cửa đến nay thâm hụt ngân sách của Trung Quốc chưa bao giờ vượt 3% GDP, nhưng để ứng phó với dịch bệnh, năm 2020 lần đầu tiên xác định tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức trên 3,6% GDP. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2021 ước tính sẽ được điều chỉnh trở về mức 3%.

Vấn đề cần chú ý là tình hình phục hồi kinh tế hiện nay vẫn tương đối yếu, tính không xác định rất nhiều, nên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn cần duy trì tính linh hoạt, rút lui một cách hợp lý, không được quá sớm và quá nhanh.

Các doanh nghiệp cần để ý đến tốc độ và nhịp độ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kiểm soát rủi ro và triển khai tốt các kế hoạch tương ứng.

Trung Quốc vẫn là trọng điểm đầu tư nước ngoài, sức bền của chuỗi cung ứng

Thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và chính sách mở cửa ngày càng sâu rộng giúp Trung Quốc có sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài, là một trong những điểm đến đầu tư trọng điểm toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia.

Trước đây, khi xây dựng chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp thường quan tâm nhiều nhất đến các yếu tố như chi phí, tốc độ phản ứng…

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi sản xuất của rất nhiều ngành bị tác động, và những ngành có chuỗi cung ứng tương đối dài, tương đối phức tạp chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất.

Điều này cũng làm cho các doanh nghiệp suy nghĩ lại tầm quan trọng về vấn đề an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng.

Sức bền của chuỗi cung ứng sẽ trở thành một trong những nhân tố cân nhắc quan trọng trong bố cục toàn cầu của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy những điều chỉnh tương ứng.

Tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng trong ổn định

Năm 2020, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, nhưng điều này không ngăn cản bước đi mở cửa đối ngoại của thị trường tài chính Trung Quốc, một loạt chính sách được thực hiện nhanh chóng.

Triển vọng 10 xu thế lớn của kinh tế Trung Quốc năm 2021 ảnh 2Đồng Nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chẳng hạn, chính thức hủy bỏ hạn chế "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện nhân dân tệ" (QFII) được thực hiện trong gần 18 năm, tiếp tục thu hút các công ty xếp hạng quốc tế, hủy bỏ toàn diện giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên lĩnh vực tài chính, trái phiếu Trung Quốc tham gia chỉ số quốc tế…, những biện pháp này giúp vốn đầu tư nước ngoài có nhiều phương thức hơn để đầu tư vào thị trường vốn Trung Quốc.

Đồng thời, việc nền kinh tế Trung Quốc dẫn đầu phục hồi sau dịch bệnh cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn của tài sản đồng nhân dân tệ, chẳng hạn chênh lệch lợi suất đáo hạn của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc và Mỹ đã nới rộng lên đến 240 điểm cơ bản.

Những điều này khiến cho sự nhiệt tình của dòng vốn đầu tư quốc tế đối với tài sản tài chính Trung Quốc không ngừng tăng lên, năm 2020 các tổ chức và cá nhân nước ngoài nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ có thể vượt 6.000 tỷ nhân dân tệ.

Dự báo, năm 2021 Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường tài chính, nâng cao tính thanh khoản của thị trường tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ.

Năm 2021, dự báo tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ duy trì sự ổn định và có động lực tăng giá nhất định.

Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn chịu tác động của dịch bệnh

Nghiên cứu có liên quan của KPMG đối với tốc độ phục hồi kinh tế và tình hình khống chế dịch bệnh của các nước trên thế giới cho thấy hai vấn đề này có mối tương quan rất mạnh. Những nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thì tốc độ phục hồi kinh tế cũng tương đối nhanh.

Năm 2021, tình hình phục hồi kinh tế cũng vẫn sẽ được quyết định bởi tiến triển của việc kiểm soát dịch bệnh và nghiên cứu điều chế vắcxin.

Gần đây, tình hình nghiên cứu điều chế vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu đạt được những tiến triển mới.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 2/12 toàn thế giới đã có 51 loại vắc-xin đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 13 loại thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, bao gồm 5 loại của Trung Quốc.

Ngày 2/12, Anh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech nghiên cứu phát triển, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể dịu lại trong ngắn hạn

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, ngày 20/1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, trước thời điểm đó, quan hệ Mỹ-Trung vẫn có tính bất trắc nhất định.

Chẳng hạn, gần đây Quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm," có thể tác động đến các cổ phiếu của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Mặc dù vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ông Biden sau khi lên nắm quyền là kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước, tái khởi động nền kinh tế Mỹ, nên xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ dịu xuống ở mức độ nhất định nào đó.

Nhìn chung, năm 2021 đối thoại song phương Mỹ-Trung có triển vọng được tăng cường, tính không xác định giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy rằng quan hệ Mỹ-Trung khó có sự cải thiện rõ ràng trong ngắn hạn, tình hình cơ bản là giữ nguyên hiện trạng, mức độ khó khăn trong việc xóa bỏ thuế quan và các biện pháp đã áp dụng bổ sung trước đó vẫn tương đối lớn.

Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được tăng cường

Thay đổi lớn nhất về ngoại thương của Trung Quốc trong năm 2021 là ASEAN thay thế Mỹ và châu Âu, lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Đồng thời, sau 8 năm với 31 vòng đàm phán, cuối cùng 15 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đây được cho là thành quả quan trọng nhất trong gần 20 năm xây dựng hội nhập kinh tế Đông Á.

Đồng thời, RCEP cũng là thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế đầu tiên được ký kết giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Đương nhiên cũng phải thấy rằng chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất lớn, chính trị, xã hội và văn hóa của các nước cũng có sự khác biệt nhất định, nên hội nhập kinh tế khu vực vẫn là nhiệm vụ khó khăn.

Tuy nhiên, xu hướng lớn về hợp tác khu vực đã hình thành, dự báo trong thời gian tới nền kinh tế thế giới có thể hình thành cục diện thế chân vạc châu Á-Thái Bình Dương-Bắc Mỹ-Liên minh châu Âu.

Đổi mới sáng tạo, an ninh, bảo vệ môi trường trở thành trọng điểm quan tâm

Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 đã thông qua kiến nghị đối với Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn 2035.

Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 có ba đặc điểm mới bao gồm giai đoạn phát triển mới, quan điểm phát triển mới và cục diện phát triển mới, xác định quan điểm cơ bản về phương hướng phát triển kinh tế trung và dài hạn của Trung Quốc.

Có thể nói rằng có ba từ khóa then chốt về mặt chính sách của Trung Quốc cần quan tâm trong năm 2021 đó là: Đổi mới sáng tạo, an ninh, bảo vệ môi trường. Tăng cường tự chủ đổi mới sáng tạo, thực hiện đột phá trên các lĩnh vực công nghệ then chốt là trọng điểm phát triển từ đây về sau của Trung Quốc, các lĩnh vực hàng đầu như trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử, mạch tích hợp, sức khỏe đời sống, khoa học não bộ, nhân giống sinh học, công nghệ vũ trụ, biển sâu… có triển vọng nhận được sự hỗ trợ chính sách lớn hơn.

Đồng thời, đối diện với môi trường quốc tế biến động phức tạp, Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 cũng đề xuất thực hiện chiến lược an ninh quốc gia, quán triệt xuyên suốt yêu cầu phát triển an toàn đến các phương diện như kinh tế, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, tài nguyên chiến lược, công nghệ, tài chính, môi trường sinh thái…

Trung Quốc sẽ đẩy nhanh chuyển đổi xanh cơ cấu sản xuất công nghiệp và năng lượng, khởi xướng xu hướng tiết kiệm năng lượng. Dự báo, các ngành công nghiệp như năng lượng thông minh, ô tô sử dụng năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường… sẽ đón nhận cơ hội phát triển lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục