Trung Quốc đang làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm trầm trọng?

Chính sách "Không COVID-19" (Zero COVID-19), chiến dịch quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng, và luật bảo mật dữ liệu mới của Trung Quốc có thể làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trầm trọng hơn.
Trung Quốc đang làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm trầm trọng? ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Bloomberg, CNN, chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn liên tục ghi nhận các điểm tắc nghẽn, từ khâu sản xuất, vận chuyển đến phân phối. Do Trung Quốc đóng vai trò là công xưởng của toàn cầu, các chính sách của Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn tới dòng chảy hàng hóa thế giới.

Giới quan sát nhận định, chính sách "Không COVID-19" (Zero COVID-19), chiến dịch quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng, và luật bảo mật dữ liệu mới của Trung Quốc có thể làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay trầm trọng hơn.

Tắc nghẽn tại các cảng biển Trung Quốc

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Trung Quốc áp dụng cách ly bắt buộc 7 tuần với thuyền viên Trung Quốc về nước, và tiếp tục cấm thay người đối với các thủy thủ đoàn nước ngoài.

Các tàu đã bổ sung thuyền viên ở nơi khác sẽ phải đợi hai tuần mới được phép cập cảng Trung Quốc. Để tuân thủ quy định trên, các chủ tàu buộc phải định tuyến lại hành trình, trì hoãn các chuyến hàng và thay đổi thủy thủ đoàn.

Guy Platten - Tổng thư ký Văn phòng vận tải biển quốc tế (ICS), đại diện cho các chủ tàu và nhà khai thác - cho biết: "Các hạn chế của Trung Quốc gây ra nhiều thách thức. Bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động tàu biển đều tác động đến chuỗi cung ứng và gây ra gián đoạn."

Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành trung tâm quan trọng của ngành vận tải biển. Đây cũng là quốc gia cuối cùng áp dụng chính sách "Không COVID-19" và ngày càng siết chặt quy định cách ly khi nhập cảnh.

Đầu tháng 11/2021, 34.000 người có mặt tại công viên giải trí Disneyland ở thành phố Thượng Hải đã bị giữ lại đến nửa đêm để xét nghiệm COVID-19. Một trường tiểu học ở Bắc Kinh cũng áp dụng biện pháp tương tự sau khi một giáo viên có kết quả dương tính với COVID-19.

Quy định mới nhất dành cho các thuyền viên người Trung Quốc là cách ly bắt buộc 3 tuần trước khi về nước, tiếp theo là 2 tuần cách ly tại cảng và 2 tuần cách ly bắt buộc tại địa phương.

[Giới chức Trung Quốc khẳng định tiếp tục chính sách Zero COVID-19]

Theo Terence Zhao, giám đốc Singhai Marine Services, một trong những hãng cung cấp thủy thủ đoàn lớn nhất Trung Quốc, các quy định thường xuyên thay đổi tùy vào tình hình dịch COVID-19 tại địa phương.

Những thuyền viên gặp vấn đề sức khỏe cũng không được phép vào Trung Quốc chữa trị. Gần đây có trường hợp thuyền trưởng một tàu của hãng tàu Anglo-Eastern bị áp xe răng nặng, nhưng bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc. Tàu đó đã phải chuyển hướng sang Hàn Quốc.

Các nhà quản lý và khai thác tàu đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế và ưu tiên người đi biển, bởi nếu tình trạng này kéo dài, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gia tăng.

Chính sách cách ly ở Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn ngay cả đối với nhà khai thác vận tải biển hàng đầu - Cargill Inc. Eman Abdalla, Giám đốc chuỗi cung ứng & hoạt động toàn cầu của Cargill, cho biết một số tàu hàng của công ty đã phải trả phí trễ hạn, có lần thì vài giờ nhưng cũng có những trường hợp lên đến vài ngày.

Euronav NV, sở hữu các tàu chở dầu lớn nhất thế giới, đã chi khoảng 6 triệu USD để xử lý các sự cố gián đoạn liên quan đến việc thay đổi thuyền viên, chi phí cách ly và đi lại cao hơn. Các chi phí phát sinh này đẩy giá cước vận tải leo thang.

Giá cược vận chuyển bằng container đã có thời điểm tăng lên mức 9.146 USD/container 40 feet (khoảng hơn 12m) vào tuần kết thúc ngày 18/11, tăng gấp 6 lần so với mức trung bình 5 năm tính đến 2019. Chi phí vận chuyển bằng tàu chở dầu và tàu chở hàng rời thì không tăng nhiều.

Theo một cuộc khảo sát mới của Oxford Economics với 148 doanh nghiệp từ ngày 18-29/10, gần 80% doanh nghiệp dự báo cuộc khủng hoảng nguồn cung có khả năng xấu đi.

Chính phủ Trung Quốc phát tín hiệu rằng họ sẽ không nới lỏng các quy định chống dịch. Giám đốc Singhai Marine Services, Terence Zhao, cho biết Trung Quốc quyết tâm đạt được "Không COVID-19" và các quy định có thể bị thắt chặt hơn vào dịp diễn ra Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Những con tàu biến mất trong vùng biển của Trung Quốc

Những con tàu đang hoạt động trên vùng biển Trung Quốc đang biến mất khỏi các hệ thống giám sát. Thông thường, các công ty dữ liệu hàng hải có thể giám sát các con tàu trên toàn thế giới thông qua hệ thống thu phát nhận diện tự động, hay còn gọi là AIS.

Trung Quốc đang làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm trầm trọng? ảnh 2Cảng biển Ninh Ba-Chu San, Trung Quốc.(Nguồn: The Logistician)

Hệ thống này cho phép các tàu gửi thông tin, ví dụ như tên gọi, vị trí, tốc độ... tới các trạm giám sát nằm dọc đường bờ biển sử dụng sóng radio tần số cao. Nếu như một tàu đi ra ngoài tầm kiểm soát của các trạm này, thông tin có thể được trao đổi thông qua vệ tinh.

Charlotte Cook, chuyên gia phân tích thương mại tại công ty cung cấp dữ liệu hàng hải VesselsValue, cho biết, tín hiệu được gửi qua hệ thống AIS đang giảm mạnh tại Trung Quốc. Trong vòng 3 tuần qua, số lượng các tàu gửi tín hiệu từ vùng biển thuộc quốc gia này giảm gần 90%, từ 100.000 tàu gửi tín hiệu mỗi ngày trong ngày 28/10, đã giảm xuống chỉ còn hơn 15.000 tàu vào ngày 17/11.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời CNN rằng các trạm kiểm soát AIS nằm dọc bờ biển Trung Quốc, vốn được xây dựng hợp pháp dưới các điều luật quốc tế, vẫn đang “hoạt động bình thường.” Văn phòng Thông tin Quốc vụ Viện Trung Quốc không phản hồi lại câu hỏi tại sao các nhà cung cấp dữ liệu hàng hải lại không thể tiếp cận được dữ liệu từ quốc gia này.

Nhưng các chuyên gia phân tích nhận định nguyên nhân của tình trạng này là bộ luật bảo vệ thông tin cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/11. Bộ luật này yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải được sự chấp thuận của chính phủ trước khi dữ liệu được chia sẻ ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Quy định này phản ánh quan ngại của Bắc Kinh về nguy cơ các thông tin quan trọng có thể rơi vào tay chính phủ nước ngoài.

Bộ luật không đề cập tới dữ liệu vận tải hàng hải. Nhưng các nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc có thể không chia sẽ các thông tin này như là một biện pháp đề phòng. Anastassis Touros, trưởng nhóm mạng lưới AIS của hệ thống theo dõi tàu Marine Traffic, nói: “Bất cứ khi nào có một bộ luật mới, sẽ cần thời gian để kiểm chứng xem những gì bạn làm có vi phạm hay không.”

Chuyên gia Charlotte Cook chia sẻ rằng các đồng nghiệp tại Trung Quốc tiết lộ với bà rằng các bộ tiếp sóng AIS đã bị tháo bỏ tại các trạm kiểm soát nằm dọc bờ biển Trung Quốc từ đầu tháng 11, theo hướng dẫn từ cơ quan an ninh quốc gia. Những hệ thống được phép tiếp tục hoạt động phải được lắp đặt bởi các bên có đủ thẩm quyền.

Dù vậy, không phải tất cả mọi dữ liệu đều bị hạn chế. Vệ tinh vẫn có thể bắt tín hiệu từ những con tàu. Nhưng ông Touros cho biết, khi một con tàu tới gần bờ, thông tin thu thập bằng vệ tinh sẽ có chất lượng kém hơn so với thông tin thu phát trên mặt đất, đó là lý do vì sao cần có những trạm kiểm soát trên đất liền để có những dữ liệu chính xác.

Với việc mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, tình trạng mất thông tin từ Trung Quốc, quốc gia sở hữu 6/10 cảng biển lớn nhất thế giới, có thể sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn mà ngành vận tải toàn cầu đang đối mặt. Chuỗi cung ứng đã rơi vào tình trạng đứt gãy khi sự tắc nghẽn tại các cảng biển liên tục xảy ra trong khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng đột biến.

Bà Charlotte Cook cho biết các công ty vận tải biển dựa vào dữ liệu AIS để có thể dự báo hướng di chuyển của các con tàu, theo dõi các xu hướng thời vụ và cải thiện mức độ hiệu quả. Tình trạng thiếu hụt dữ liệu sẽ có tác động lớn lên chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Quốc gia này là nhà nhập khẩu than và quặng sắt lớn trên thế giới, đồng thời cũng là một cường quốc xuất khẩu.Với các công ty vận chuyển nước ngoài, thiếu dữ liệu từ Trung Quốc sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm tàu cập cảng, bốc dỡ hàng hóa và sau đó rời đi.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ kinh tế khi phải đối mặt với không ít nguy cơ từ bên ngoài, ví dụ như lệnh cấm vận của Mỹ đối với một số công nghệ chủ chốt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục nhấn mạnh mục tiêu tự chủ trong nhiều năm nay và trong suốt cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đó là chủ trương cốt lõi trong chiến dịch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc thành một ngành kinh tế ứng dụng nhiều hơn các công nghệ hiện đại.

Một vài quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây nỗ lực xua đi những lo lắng từ các nhà đầu tư quốc tế rằng quốc gia này đang tự cô lập với phần còn lại của thế giới khi ưu tiên vấn đề an ninh quốc gia. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg, tổ chức tại Singapore, rằng Trung Quốc sẽ “không cô lập mình với thế giới.”

Phát biểu trực tuyến, ông lên tiếng kêu gọi các quốc gia hãy cùng nhau nỗ lực giữ cho các chuỗi cung ứng vận hành một cách “trơn tru và ổn định.” Tuy nhiên, Trung Quốc đang áp dụng những chính sách mạnh tay khiến mục tiêu trên khó có thể đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục