Trong bối cảnh lithium ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, Trung Quốc đã có một loạt bước đi để đứng đầu cuộc đua kiểm soát “vàng trắng của tương lai,” đặc biệt là ở Mỹ Latinh, khu vực quy tụ những quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng lithium.
Dữ liệu thị trường và thông tin do hãng nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights có trụ sở ở Ấn Độ cho thấy Trung Quốc kiểm soát các mỏ lithium quan trọng ở Mỹ Latinh thông qua 3 doanh nghiệp có tầm hoạt động toàn cầu là Ganfeng Lithium, Tianqi Lithium và Zijin Mining.
[Trung Quốc có đang dẫn đầu “cuộc chiến” kim loại chủ chốt?]
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Bolivia là quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, tiếp đến là Argentina với 19 triệu tấn và Chile với 9,8 triệu tấn.
Tại Argentina, Ganfeng Lithim sở hữu 51% cổ phần tập đoàn khoáng sản Minera Exar, với tài sản nổi bật nhất là dự án trị giá 741 triệu USD mang tên Cauchari-Olaroz ở tỉnh Jujuy. Minera Exar ước tính cho đến năm 2023 dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 40.000 tấn lithium carbonate phục vụ sản xuất pin.
Tập đoàn này đồng thời sở hữu dự án Mariana ở tỉnh Salta, nơi Minera Exar dự kiến đầu tư gần 600 triệu USD xây dựng một nhà máy sản xuất 20.000 tấn lithium clorua mỗi năm.
Ngoài ra, Minera Exar cũng dự định mua lại tập đoàn khoáng sản Lithea của Argentina với giá 962 triệu USD, đồng thời xây dựng một nhà máy lithium carbonate tại khu công nghiệp Güemes cũng thuộc tỉnh Salta, một trong những khu công nghiệp trọng điểm ở Tây Bắc Argentina.
Cũng tại quốc gia Nam Mỹ, Zijin Mining đã mua lại Neo Lithium để vận hành dự án Tres Quebradas.
Tháng 3/2022, doanh nghiệp Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư 380 triệu USD để xây dựng một nhà máy tinh chế lithium với công suất 20.000 tấn từ năm 2023.
Tương tự, Trung Quốc cũng nắm quyền kiểm soát nhiều mỏ khoáng sản quan trọng ở Chile.
Tại quốc gia này Tianqi Lithium, một trong những nhà cung cấp linh kiện chủ chốt cho pin xe điện, sở hữu 24% cổ phần của doanh nghiệp lithium địa phương SQM.
Theo SQM, năm ngoái nhu cầu lithium đã vượt 500.000 tấn, tăng 55% so với năm 2020.
Trong bối cảnh đó, doanh số của SQM đã tăng vọt 144% nhờ thị trường xe điện bùng nổ tăng trưởng.
Trong khi đó, tại Mexico - quốc gia có trữ lượng lithium lớn thứ 9 trên thế giới với 1,7 triệu tấn, theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ - Ganfeng Lithium đã nắm quyền kiểm soát mỏ Sonora sau khi đạt được thỏa thuận với Bacanora Lithium.
Theo Mining Technology, đây là mỏ lithium dạng quặng đá lớn nhất thế giới và quan trọng nhất ở Mexico, với tiềm năng sản xuất tới 35.000 tấn quặng mỗi năm.
Gần đây Chính phủ Mexico đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp lithium, cho phép Nhà nước độc quyền khai thác và thương mại hóa “vàng trắng.”
Tuy nhiên, Chính phủ cũng tuyên bố sẽ tôn trọng các dự án đã nhượng quyền khai thác trước đó, miễn là Chính phủ xác minh được rằng các dự án này đã gần đi vào sản xuất.
Trong bối cảnh giá năng lượng hóa thạch tăng cao và nhu cầu giảm phát thải carbon trở thành những vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm, ngành công nghiệp xe điện đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo bùng nổ nhu cầu đối với một thành phần không thể thiếu của mỗi chiếc xe, đó chính là bộ pin xe điện.
Hãng tư vấn McKinsey dự báo đến năm 2030, nhu cầu pin xe điện trên thế giới sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay lên mức 4.500 gigawatt giờ. Chuỗi giá trị pin xe điện cũng được kỳ vọng sẽ tăng gấp 10 lần so với năm 2020, mang lại doanh thu hàng năm là 410 tỷ USD.
Với đặc tính nhẹ, tích trữ nhiều năng lượng và có thể sạc lại nhiều lần, lithium thường được dùng làm pin sạc cho hầu hết các thiết bị điện tử và ôtô điện. Trong vòng 18 tháng qua, giá lithium đã tăng vọt hơn 500%./.