Năm nguyên tắc giải quyết vấn đề Syria

Trung Quốc nêu 5 nguyên tắc giải quyết vấn đề Syria

Ngày 20/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu 5 nguyên tắc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Syria.
Trung Quốc nêu 5 nguyên tắc giải quyết vấn đề Syria ảnh 1Xung đột ở Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc họp báo với giới truyền thông trong nước ngày 20/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu 5 nguyên tắc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Syria.

Nguyên tắc thứ nhất: Vấn đề của Syria phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị hòa bình Syria lần thứ hai tại Gevena (Thụy Sĩ) vào ngày 22/1 tới, cho rằng đây sẽ là một cơ hội quan trọng để thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, vì vậy kêu gọi tất cả các bên tại Syria tích cực tham gia hội nghị này.

Bắc Kinh cũng gạt bỏ mọi khả năng áp dụng giải pháp quân sự cho vấn đề Syria, đồng thời cho rằng trong khi các cuộc đối thoại đang diễn ra, tất cả các bên ở Syria cần chấm dứt mọi cuộc xung đột có vũ trang và bạo lực, cần có các hành động tin tưởng lẫn nhau như ngừng bắn để viện trợ nhân đạo.

Nguyên tắc thứ hai: Tương lai của Syria phải do chính người dân nước này quyết định. Cộng đồng quốc tế cần giữ lập trường cân bằng, không thiên vị trong đối xử với tất cả các bên ở Syria, tạo các điều kiện thuận lợi và môi trường cần thiết để lập một kế hoạch chuyển tiếp chính trị và tránh áp đặt các giải pháp chính trị từ bên ngoài lên Syria. Liên hợp quốc nên đóng vai trò là kênh đối thoại chính.

Nguyên tắc thứ ba: Phải thúc đẩy một tiến trình chuyển giao chính trị với sự tham gia của tất cả các bên. Mục đích của tiến trình này là ngừng đổ máu, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và lập lại ổn định và trật tự; đảm bảo các cơ hội công bằng cho tất cả các sắc tộc, tôn giáo và phe phái; thiết lập một cấu trúc quyền lực hợp lý, đúng đắn và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Syria; mở đường tới tiến trình tái thiết và đưa Syria trở lại vai trò một lực lượng quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Trung Quốc hy vọng các bên ở Syria sớm đạt một thỏa thuận về những dàn xếp cụ thể và khung thời gian hợp lý cho quá trình chuyển tiếp chính trị, dựa trên đồng thuận để thành lập một cơ quan điều hành thời kỳ chuyển tiếp có toàn quyền, và duy trì hoạt động liên tục và hiệu quả của các thể chế Chính phủ Syria.

Nguyên tắc thứ tư: Hòa giải và đoàn kết dân tộc phải đạt được ở Syria song song với tiến trình chuyển tiếp chính trị. Để làm được điều này, các bên ở Syria cần trả tự do cho những người đang bị giam giữ, ngăn cản mọi hành động phân biệt sắc tộc, tôn giáo và dân tộc, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản.

Nguyên tắc thứ năm: Viện trợ nhân đạo phải được chuyển tới Syria và các quốc gia láng giềng. Cộng đồng quốc tế cần đảm bảo rằng cả người Syria tị nạn ở nước ngoài và những người đang sống bên trong Syria đều được tiếp cận với viện trợ nhân đạo. Các bên ở Syria cần hợp tác đầy đủ với Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế liên quan để đảm bảo các hoạt động hỗ trợ nhân đạo đến được với tất cả các vùng đang bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Liên quan đến Hội nghị Geneva II, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 20/1 cho biết đã nhận được lời mời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tham gia hội nghị này. Tuy nhiên, ông Hossein Amir-Abdollahian không cho biết Tehran có tham gia hay không.

Phản ứng về lời mời này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng Liên hợp quốc cần rút lại lời mời này cho tới khi nào Tehran công khai tuyên bố ủng hộ việc thực thi đầy đủ Thông cáo Geneva I, ký năm 2012, theo đó thành lập một cơ quan điều hành chuyển tiếp tại Syria.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cũng cho rằng Iran cần chứng tỏ họ ủng hộ việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria nếu tham gia hội nghị tới. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đề nghị Iran công khai chấp nhận các mục đích của hội nghị, được nêu trong giấy mời gửi tới Iran, bao gồm thành lập một chính phủ chuyển tiếp có toàn quyền tại Syria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/1 cảnh báo thiếu Iran trong hội nghị Geneva II sẽ là "một lỗi không thể tha thứ." Ông Sergei Lavrov cho rằng sự vắng mặt của Iran sẽ chứng tỏ hội nghị không chú trọng tới việc đàm phán để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần ba năm nay ở Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục