Trung Quốc nêu điều kiện đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, Nga

Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí Trung Quốc tuyên bố nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. (Nguồn: news.usni.org)
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. (Nguồn: news.usni.org)

Trong phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh ngày 8/7, Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Phó Thông đã một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc "không hứng thú" tham gia cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, quan chức này cũng tuyên bố nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí nêu trên.

Tuyên bố của ông Phó Thông được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán ba bên để thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới - phía Mỹ gọi là New START, còn phía Nga gọi là START-3 - sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021.

[Trung Quốc không tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga]

Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.

Theo thỏa thuận được ký năm 2010 này, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.

Tương lai của New START hiện vẫn khá mờ mịt bởi tới nay chỉ có Nga bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, do Moskva coi đây là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới."

Trong khi đó, Mỹ muốn điều chỉnh hiệp ước này bằng việc mời Trung Quốc cùng tham gia.

Theo kế hoạch, các nhóm công tác kỹ thuật của Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí sẽ họp tại Vienna (Áo) vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới và Trung Quốc sẽ được mời tham dự./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục