Trung Quốc: Những thách thức và động thái thay đổi trong năm 2020

Năm nay, Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách ngoại giao kinh tế của mình trong khu vực như một phần của BRI phiên bản 2.0 và giảm sự phụ thuộc vào các thành phần công nghệ cao từ nước ngoài.
Trung Quốc: Những thách thức và động thái thay đổi trong năm 2020 ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc thông điệp chúc mừng năm mới 2020 tại Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tờ Nikkei Asia Review và trang mạng thehill.com đã đăng bài về những thách thức khu vực lớn mà Trung Quốc phải đối mặt và những thay đổi mà Trung Quốc có thể tiến hành trong năm 2020.

Theo các chuyên gia, năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn như đối mặt với với một Mỹ ngày càng quyết đoán hơn, sự phản kháng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cuộc bầu cử ở Đài Loan, hay giảm sự phụ thuộc vào công nghệ cao từ nước ngoài.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Nước Mỹ sắp bước vào các cuộc bầu cử căng thẳng, cả hai đảng lớn ở nước này đều có quan điểm chỉ trích Trung Quốc. Cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm nay đi chăng nữa, thì Washington có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì thế đối đầu hiện nay với Trung Quốc nếu không có thỏa thuận lớn về hàng loạt những bất đồng đang ngày càng mở rộng giữa hai nước.

[Ngoại trưởng Trung Quốc: Mỹ nên ngừng lạm dụng việc sử dụng vũ lực]

Trung Quốc sẽ tập trung vào việc giảm bớt tác động thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm gần 15% trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2018 đến cùng thời gian của năm 2019.

Mặc dù vậy, tỷ lệ xuất khẩu toàn cầu của nước này hiện là 11,9% - cao hơn một chút so với làn sóng thuế quan đầu tiên của Mỹ đánh vào nước này hồi tháng 7/2018.

Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì Mỹ hấp thụ phần xuất khẩu của Trung Quốc cao hơn bất kỳ nước nào khác và Trung Quốc có thể mất đi một số động lực thương mại trên toàn cầu.

Chính sách ngoại giao kinh tế

Trong khi đó, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang thúc đẩy các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng để làm đối trọng với sáng kiến BRI  của Trung Quốc.

Thông qua viện trợ quốc phòng và hỗ trợ kỹ thuật, các cường quốc tầm trung này cũng đang giúp các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực nâng cao năng lực, nhất là trong lĩnh vực an ninh biển, để bảo vệ các lợi ích và chủ quyền của họ trước Trung Quốc.

Tại Malaysia, một trong những đối tác khu vực thân thiết nhất của Bắc Kinh, một “cơn sóng thần” bầu cử đã cuốn phăng chính quyền thân Trung Quốc, một phần do những lo ngại về chiếc bẫy nợ của Bắc Kinh.

Thủ tướng Mahathir Mohamad, người công khai cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới” trong chuyến thăm Bắc Kinh, đã đặt trọng tâm vào việc tái thương lượng về các khoản đầu tư của Trung Quốc khi ông quay trở lại nắm quyền.

Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục thay đổi chính sách ngoại giao kinh tế của mình trong khu vực như một phần của BRI phiên bản 2.0. Điều này thể hiện trong năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện BRI minh bạch và có tính bao trùm hơn.

Ngoài việc tăng cường mối quan hệ thương mại song phương thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hai nỗ lực khác: kết thúc hiệp định thương mại tự do ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc và đảm bảo rằng một hiệp định châu Á-Thái Bình Dương lớn hơn, hay được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sẽ thành hiện thực cho dù Ấn Độ quyết định không tham gia. Trung Quốc cũng tích cực tận dụng những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương để cố gắng có được chỗ đứng chắc chắn hơn cho Huawei trong các mạng 5G ở khắp châu Âu.

Cuộc bầu cử lãnh đạo ở Đài Loan

Năm 2020, cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan là một trong những thách thức đối với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện chiếm 40% xuất khẩu của Đài Loan -  và xuất khẩu chiếm hơn một nửa GDP của Đài Loan.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc kinh tế ngày càng gia tăng vào đại lục đã không ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc ở Đài Bắc.

Trái lại, năm 1994, 20% dân số được xác định là người Đài Loan, trong khi 26% được xác định là người Trung Quốc.

Đến năm 2018, tỷ lệ người Đài Loan đã tăng lên 54,5%, trong khi tỷ lệ người Trung Quốc đã giảm xuống dưới 4%.

Nếu Tổng thống Thái Anh Văn tái cử vào ngày 11/1 tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt không chỉ với một dân chúng theo chủ nghĩa dân tộc mà còn một chính phủ mong muốn thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ trên khắp châu Á-Thái Bình Dương và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Giảm sự phụ thuộc vào công nghệ cao từ nước ngoài

Theo các chuyên gia, giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào các thành phần công nghệ cao từ nước ngoài là một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong năm 2020.

Tháng 9/2019, Huawei đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tập đoàn này công bố một điện thoại thông minh không sử dụng chíp điện tử của Mỹ.

Trung Quốc: Những thách thức và động thái thay đổi trong năm 2020 ảnh 2Điện thoại di động sản xuất tại Trung Quốc được bày bán trong cửa hàng ở New York của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Huawei cho biết họ đang nỗ lực thay thế toàn bộ ứng dụng Google và Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành một chỉ thị hồi năm ngoái bắt buộc “tất cả các văn phòng chính phủ và tổ chức công không sử dụng thiết bị máy tính và phần mềm nước ngoài trong vòng 3 năm.”

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu của chiến lược giảm phụ thuộc vào nước ngoài, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nỗ lực thực thi chiến lược này khi tạo thế chủ động bằng những thiết bị và phần mềm nội địa.

Thúc đẩy các mục tiêu chính trị

Trong năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu chính trị một cách từ từ và thận trọng.

Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác với Nga. Không có bằng chứng cho thấy hai nước này đang theo đuổi một liên minh quân sự chính thức.

Ngoài ra, mối quan hệ của họ ngày càng bất đối xứng; GDP của Trung Quốc lớn hơn 8 lần so với GDP của Nga trong năm 2018.

Tuy nhiên, đặc biệt với quyết định của Washington “sắp xếp” họ với nhau dưới chiếc ô “cạnh tranh nước lớn,” Trung Quốc và Nga có thể sẽ có ý định hợp tác hơn để làm vô hiệu hóa các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục hối thúc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi hạn chế hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa, từ đó liên kết chính họ với Hàn Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia với Nga và Liên minh châu Âu (EU) trong việc phản đối các biện pháp trừng phạt “gây sức ép tối đa” của Mỹ đối với Iran.

Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng dấu ấn kinh tế của mình ở khu vực Mỹ Latinh, Nam Âu và châu Phi hạ Sahara thông qua BRI./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục