Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị, tuyên bố nước này lo ngại mối quan hệ với Nhật Bản có thể xuống dốc.
Trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda tại Bắc Kinh ngày 31/3, ông Vương Nghị hối thúc Nhật Bản "loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía."
Theo ông Vương Nghị, năm nay đánh dấu 45 năm ngày ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật, "nhưng hôm nay chúng ta có lý do để lo ngại về khả năng thụt lùi trong chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc."
Ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng "phía Nhật Bản sẽ loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía, phát đi thông điệp tích cực rằng quan hệ Trung-Nhật đang trên đà phát triển lành mạnh và đang được hồi sinh, đồng thời tạo điều kiện để nối lại đầy đủ các hoạt động tương tác sau đại dịch trên tất cả các lĩnh vực."
Về phần mình, ông Fukuda, người giữ chức Thủ tướng Nhật Bản trong hai năm 2007-2008, và có mặt tại Trung Quốc tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao, khẳng định mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đóng vai trò "rất quan trọng" và hai bên cần "duy trì liên lạc cấp cao… tăng cường hiểu biết lẫn nhau, loại bỏ những hiểu lầm và tính toán sai lầm."
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã công bố kế hoạch tới Trung Quốc vào cuối tuần này, trong đó có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Tần Cương.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Nhật Bản tới Trung Quốc kể từ tháng 12/2019 và ông Hayashi cũng là người đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc kể từ tháng 11/2020.
Trong cuộc họp báo ngày 31/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm của ông Hayashi, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tăng cường đối thoại và liên lạc với Tokyo, hướng tới mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định giữa hai nước, đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới.
Cũng trong ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đường dây nóng quân sự giữa nước này và Trung Quốc đã đi vào hoạt động.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ đường dây liên lạc này nhằm thúc đẩy lòng tin và tránh các sự cố bất ngờ giữa hai nước.
[Trung Quốc-Nhật Bản xúc tiến đối thoại an ninh, tham vấn ngoại giao]
Đường dây nóng là trụ cột của Cơ chế Liên lạc trên biển và trên không giữa Trung Quốc và Nhật Bản để phòng ngừa những va chạm ngẫu nhiên trên biển và trên không giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Trung Quốc.
Tại hội nghị trực tuyến tham vấn cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản về các vấn đề trên biển lần thứ 14 vào tháng 11/2022, hai nước đã nhất trí duy trì liên lạc và phối hợp xử lý các vấn đề trên biển, đồng thời chia sẻ quan điểm sẽ xem xét tích cực sớm đưa vào hoạt động đường dây nóng theo khuôn khổ liên lạc trên biển, trên không giữa cơ quan quốc phòng hai nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã nhiều lần tỏ ý không hài lòng với chính sách ngoại giao của Nhật Bản khi tăng cường hợp tác với Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản tuân thủ các nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật và những cam kết đã được đưa ra cho đến nay, không can thiệp vào vấn đề Đài Loan cũng như không gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.
Vào tháng 12/2022, liên minh cầm quyền của Nhật Bản đã nhất trí về bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó mô tả Trung Quốc là một "thách thức chiến lược chưa từng có."
Hơn nữa, Nhật Bản được cho là đã tăng cường khả năng tấn công tầm xa nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Nhật Bản dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP trong vòng 5 năm tới, vượt qua giới hạn 1% ban đầu do Hiến pháp Hòa bình đặt ra.
Ngoài ra, hôm 31/3, các quan chức Nhật Bản cho biết chính phủ nước này có kế hoạch áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, sau các biện pháp hạn chế tương tự của Mỹ được thiết kế để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chip tiên tiến trong cuộc chiến khốc liệt về công nghệ./.