Trung Quốc và ASEAN góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới

Giới chuyên gia đánh giá quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực, trở thành động lực cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc và ASEAN góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chụp ảnh cùng ngoại trưởng các nước ASEAN. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia Thái Lan đánh giá, Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều “không gian” để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, qua đó đóng góp nhiều hơn cho kinh tế thế giới.

Học giả chuyên nghiên cứu về ASEAN tại đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Pongsudhirak cho rằng quan hệ thương mại song phương Trung Quốc-ASEAN còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ông Thitinan nhận định thị trường ASEAN rất rộng lớn với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số đông và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 3.000 tỷ USD. ASEAN vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng nhờ dân số trẻ và các thị trường đang phát triển.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN trong nửa đầu năm 2019 đạt 1.980 tỷ nhân dân tệ (288 tỷ USD), đưa ASEAN vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh. Theo ông Thitinan, quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực, bao gồm chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, du lịch và dịch vụ.

[Chuyên gia đánh giá kinh tế Đông Á phát triển ấn tượng trong 25 năm]

Trong khi đó, Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Kasikorn, ông Wichai Kinchong Choi cho biết với vị trí “láng giềng”, ASEAN và Trung Quốc luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đưa ASEAN trở thành một thị trường ngày càng quan trọng của Trung Quốc và ngược lại.

Theo ông Wichai, nền kinh tế Trung Quốc và ASEAN - một thị trường đang phát triển với tiềm năng to lớn - có thể hợp tác chặt chẽ để trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới.

Chuyên gia cấp cao tại Viện An ninh và nghiên cứu quốc tế của đại học Chulalongkorn, ông Kavi Chongkittavorn nhận định việc thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ trở thành một điểm sáng trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, mang lại động lực mới cho nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) đang diễn ra tại Thái Lan, ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đồng ý sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

RCEP là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ (còn được gọi là ASEAN+6)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục