Kinh nghiệm sau quá trình gia nhập WTO đã chỉ ra rất rõ, nếu chỉ kỳ vọng vào những tác động từ bên ngoài nhằm mang đến động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước là không khả thi.
Việt Nam sẽ hưởng lợi gì từ Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được bao nhiêu trong các cơ hội đó? Điều này dường như khá quen thuộc, bởi câu hỏi tương tự đã được đặt ra ở thời điểm tháng 6/2006 khi Việt Nam chính thức kết thúc vòng đàm phán song phương với Mỹ, trước khi trở thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
"Lơ mơ" về TPP
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi đến thỏa thuận cuối cùng vào ngày 5/10, theo đó Việt Nam và 11 nước tham gia đàm phán đã cùng nhau mở ra một thị trường thương mại tự do rộng lớn nhất thế giới với các cam kết cũng ở cấp độ cao nhất từ trước đến nay.
Giới truyền thông trong và ngoài nước cùng ồ ạt đưa tin, phân tích, khai thác dưới mọi góc nhìn về những cơ hội cũng như thách thức, không chỉ 12 quốc gia thành viên mà các đối tác bên ngoài cũng phải đối mặt.
Nếu Mỹ cho rằng TPP sẽ mang tới cho hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ cơ hội thâm nhập thị trường châu Á-Thái Bình Dương đầy tiềm năng, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm cho người dân của quốc gia này thì Nhật Bản tin tưởng việc TPP ra đời là một thành tựu lớn với những kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các quốc gia đứng ngoài cũng cho thấy sự “sốt ruột” của mình, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tích cực xem xét các chi tiết của thỏa thuận của TPP và phân tích các ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế của họ đồng thời cho biết sẽ tham gia vào TPP ngay khi có thể.
Các tổ chức doanh nghiệp tư nhân của quốc gia láng giềng Thái Lan “vội vã” thúc giục chính phủ xem xét gia nhập TPP. Bên cạnh đó các tổ chức này cho biết sẽ chủ động thành lập một ban công tác để nghiên cứu các tác động ảnh hưởng cũng như lợi ích của TPP lên thị trường của họ.
Tại Việt Nam, trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực tham gia thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do thì trong nước có đến 30% doanh nghiệp cho biết lần đầu họ nghe về việc Việt Nam đàm phán gia nhập TPP (Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI2015, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 4/2015).
Quay trở lại năm 2006, truyền thông trong nước đã đăng tải hàng nghìn bài phân tích các mặt thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi gia nhập WTO. Khi đó hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đặt kỳ vọng, trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập, Việt Nam sẽ cải tiến năng lực cạnh tranh từ quy mô quốc gia đến doanh nghiệp và sản phẩm.
Vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết tại thời điểm này là các hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước, cân bằng chi phí tài chính, phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, hệ thống ngân hàng… lành mạnh.
Đây là những tiền đề cho việc thay đổi cơ chế và phân phối nguồn lực nhằm nâng cao cạnh tranh tốt hơn.
Đang ở đâu sau 7 năm?
Tuy nhiên, Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (tháng 9/2015) đã cho thấy, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam (từ năm 2007 đến nay) có những hạn chế và bất cập.
Cụ thể, chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện, cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp. Chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giai đoạn 2007-2014) đạt 5,94%, thấp hơn (giai đoạn 2001-2006) khi đó là 7,27%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn chủ yếu dựa vào vốn (52-53%) và lao động (19-20%), tỷ trọng khoa học và công nghệ đóng góp trong tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các nước đồng thời yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm có 28-29%, trong khi yếu tố TFP ở một số nước trong khu vực chiếm 35-40%,” Báo cáo này chỉ ra.
Báo cáo của Ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã thẳng thắn nêu ra hàng loạt nguyên nhân khiến quá trình gia nhập WTO thời gian qua còn nhiều hạn chế như: nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, chậm đổi mới về tư duy, chậm trễ thực hiện các cải cách khu vực công thậm chí là chưa năng động-sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có tính liên ngành phát sinh trong quá trình hội nhập.
Hơn thế nữa, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng chưa thực sự được coi trọng.
Tóm lại, kinh nghiệm sau quá trình gia nhập WTO đã chỉ ra rất rõ, sẽ khó kỳ vọng vào những sức mạnh của bên ngoài nhằm mang đến động lực cải cách, nâng lực cạnh tranh trong nước.
Bởi, cho dù Chính phủ có nỗ lực xây dựng một thể chế (luật chơi) hoàn thiện đến đâu thì việc dẫn dắt “trò chơi” vẫn nằm trong tay những công chức được giao nhiệm vụ thực thi nó. Minh chứng từ thực tiễn cũng cho thấy, nếu những “công chức” đó thiếu vắng đi một trong ba yếu tố “trí tuệ, trái tim và khí phách” công cuộc hội nhập sẽ khó đạt được những kỳ vọng đặt ra ban đầu./.