Trường đại học tốp đầu Nhật Bản mở phân viện tại Việt Nam từ tháng 10/2024

Đại học Nông Lâm Thái Nguyên vừa ký kết với Đại học Hiroshima của Nhật Bản về việc mở phân viện Đại học Hiroshima từ tháng 10/2024. Đây là trường đại học nằm trong tốp 10 của Nhật Bản.

Lễ ký kết MOU giữa trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với Đại học Hiroshima của Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ ký kết MOU giữa trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với Đại học Hiroshima của Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 14/12, tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và Đại học Hiroshima của Nhật Bản về việc mở phân viện Đại học Hiroshima từ tháng 10/2024.

Theo biên bản ghi nhớ, Đại học Hiroshima sẽ mở khóa đào tạo tiến sỹ với các chuyên ngành nông nghiệp, chăn nuôi, kinh tế, và công nghệ sinh học. Các học viên sẽ theo học đúng theo chương trình của Đại học Hiroshima gồm lý thuyết, thực nghiệm, do các giáo sư từ Đại học Hiroshima được cử sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn và đào tạo. Hai bên dự kiến sẽ đưa học viên sang thực tập ngắn hạn tại Đại học Hiroshima trước khi học viên được nhận bằng tiến sỹ do Đại học Hiroshima cấp.

Đại học Hiroshima được xếp hạng là một trong 10 trường đại học hàng đầu Nhật Bản, có hơn 15.000 sinh viên với 1.750 học sinh quốc tế đến từ 85 nước trên thế giới. Du học sinh Việt Nam đứng thứ 3 với 65 học viên đang theo học tại trường.

Đại học Hiroshima dự kiến đào tạo tại Việt Nam các lĩnh vực bán dẫn, y học và y tế, giảm thải carbon, hydrogen và thành phố thông minh. Đại học Hiroshima là một trong 5 trường Đại học tại Nhật Bản hợp tác với 3 trường đại học tại Mỹ đang tập trung phát triển các chất bán dẫn thế hệ mới với các tính năng vượt trội, nhằm tạo sự bứt phá về công nghệ bán dẫn.

Ngoài ra Đại học Hiroshima còn được chính phủ Nhật Bản và các công ty hàng đầu như Softbank, Sumitomo, Daikin… đầu tư hơn 3 tỷ USD vào dự án 70ha nhằm xây dựng thành phố thông minh của xã hội 5.0.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đại học Hiroshima cũng dự kiến nghiên cứu khả năng đưa vào Việt Nam các giống lúa và cây trồng chịu mặn, thích hợp với điều kiện khí hậu đạng bị biến đổi, cũng như công nghệ phân ly giới tính trên gia súc như bò và lợn, nhằm giúp Việt Nam tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình chăn nuôi gia súc theo quy mô công nghiệp.

Cùng ngày, đại diện Đại học Hiroshima đã thăm và làm việc với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Trường Đại học Y Thái Nguyên nhằm sớm mở ra hợp tác nghiên cứu trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trong đó đặc biệt là các công nghệ tiên tiến trong phẫu thuật khớp gối, dây chằng cũng như phát hiện ung thư sớm. Dự kiến, Đại học Hiroshima sẽ nghiên cứu tiếp nhận các cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sang học tập và làm việc ngắn hạn tại Đại học Hiroshima để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trên.

Theo kế hoạch, Đại học Hiroshima sẽ mở rộng hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật cũng như hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Nông Lâm Bắc Giang trong đào tạo, hợp tác và trao đổi sinh viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục