"Trường mẫu giáo thực vât": Nơi hồi sinh những chậu cây cảnh bị vứt bỏ

Baik Soo-hye đã cứu hàng trăm chậu cây từng bị vứt đi hoặc bị bỏ mặc cho đến chết tại Seoul, khi những người chủ cũ của chúng phải rời đi đến những nơi khác.

Góc vườn nhỏ của Baik Soo Hye. (Nguồn: Korea Times)
Góc vườn nhỏ của Baik Soo Hye. (Nguồn: Korea Times)

Khu vườn nhỏ bé ngoài trời của Baik Soo-hye, nghệ sỹ thị giác và nhà điều hành “trường mẫu giáo thực vật” nằm nép mình ở Gongdeok-dong, quận Mapo ở phía tây Seoul, Hàn Quốc, là "mái ấm" cho những chậu cây cảnh bị bỏ rơi.

Nơi này có khoảng 150 chậu cây từng bị vứt đi hoặc bị bỏ mặc cho đến chết tại các khu tái phát triển trên khắp Seoul, khi những người chủ cũ của chúng phải rời đi đến những nơi khác để nhường chỗ cho việc xây dựng những khu chung cư mới.

Những chậu cây này bị vứt bỏ vào các bãi rác, trên vỉa hè bêtông nứt nẻ, hay những công viên đã bỏ hoang. Và Baik Soo-hye, 35 tuổi, một nghệ sỹ thị giác, đã giải cứu chúng và đưa về một nơi mà cô gọi là “trường mẫu giáo của thực vật.”

Cái tên này ngụ ý rằng đây sẽ không phải là ngôi nhà vĩnh viễn của chúng. Trên thực tế, sứ mệnh của cô là chăm sóc để những chậu cây này khỏe mạnh trở lại, và sau đó chia sẻ lên mạng xã hội để tìm các gia đình mới cho chúng.

baik-soo-hye-2-5565.jpg
Góc vườn nhỏ của Baik Soo Hye. (Nguồn: Korea Times)

Đó là cách cô ấy tạo ra cơ hội thứ hai cho những loài thực vật bị vứt bỏ mà thậm chí ngay đến những người buôn đồ cũ cũng coi chúng là “vô giá trị.”

Kể từ khi bắt đầu công việc này, Baik đã tìm được nhà mới cho gần 300 chậu cây được tìm thấy trên khắp Gongdeok-dong, Yeonhui-dong, Galhyeon-dong và Noryangjin-dong. Cô cho biết phần lớn chủ sở hữu mới của chúng là những người ở độ tuổi 20 và 30.

Chia sẻ trên Korea Times, Baik nói: “Tôi nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người đánh giá cao sự hiện diện của cây cối trong nhà hơn trước đây. Họ muốn có một thứ gì đó để có thể chăm sóc và tương tác.”

Cô cho biết thêm, văn hóa trồng cây đã phát triển mạnh trong cộng đồng trực tuyến và trên các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là trong thế hệ Millennials và Gen Z, với hàng trăm nghìn bài đăng chia sẻ hình ảnh và video của những người đam mê cây cối.

Việc chia sẻ hình ảnh những “đứa con lá” đang lớn dần và trao đổi mẹo chăm sóc chúng đã giúp những thành viên cộng đồng này xây dựng mối liên kết ngay cả khi không gặp nhau trực tiếp. Và đối với Baik, mạng xã hội là nơi giúp cô tìm đc hầu hết những ngôi nhà mới cho các cây trồng được giải cứu của mình.

“Những cây tôi cứu được từ những khu nhà bỏ hoang không thực sự là những loại đang bán chạy hay thịnh hành,” cô cho biết khi chỉ vào những dãy chậu cây gồm hoa chuối, ngải cứu, sen đá, hoa huệ, hoa cúc trong khu vườn. “Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người quan tâm đến chúng vì họ nhận thấy hình ảnh những loại thực vật mà tôi chia sẻ trên mạng rất hấp dẫn.”

Hiện tại, nhiều tổ chức cũng đã nhảy vào cuộc để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng những người yêu cây. Thậm chí, còn có một “Trung tâm y tế” chuyên điều trị cho cây trồng trong nhà ở quận Seocho, phía nam Seoul.

jin-woo-yong-2828.jpg
"Bác sỹ cây" Jin đang trao đổi với người trồng cây. (Nguồn: Korea Times)

Một ngày làm việc bình thường của trung tâm hôm 11/5 bắt đầu với một cây ôliu chưa đầy một năm tuổi đã khô hoàn toàn thân và lá, không có dấu hiệu của sự sống. Sau khi kiểm tra cẩn thận, “bác sỹ cây” Jin xác nhận nó đã chết. Nhưng đó chưa phải là kết thúc. Anh tiếp tục đưa ra lời khuyên cho chủ cây, một nhân viên văn phòng ở tuổi 30, cách để duy trì nhiệt độ phòng thích hợp, đánh giá ánh sáng trong nhà và tuân thủ lịch tưới nước để cây tiếp theo của cô ấy không chịu chung số phận này.

Trường hợp tiếp theo là một cây ngọc lục bảo đã héo rũ. Sau khi xác nhận cây bị nhện đỏ phá hoại, Jin kê thuốc trừ sâu hữu cơ tự chế làm từ lòng đỏ trứng và dầu ăn.

Theo giám đốc trung tâm, kể từ khi khai trương, đối tượng khách chủ yếu thường là những người ở lứa tuổi 20 đến 30.

Ông nói: “Dường như có một sự khác biệt rất rõ về thế hệ trong cách mà mọi người đối xử với cây trồng trong nhà. Thông thường, đối với những người lớn tuổi, chúng chỉ là một trong số rất nhiều loại cây được mang từ ngoài đồng hoặc ngoài vườn vào nhà. Nhưng giới trẻ lại coi cây cối như những người bạn đồng hành mà họ cần chăm sóc.”

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy những người trẻ tuổi này hình thành mối liên kết tình cảm cá nhân với cây cối của mình. Và Baik, với tư cách là một người cứu hộ thực vật, cũng không nằm ngoại lệ.

Trải nghiệm bị phân biệt đối xử khi là một phụ nữ châu Á sinh sống ở Anh và Canada trong vòng 9 năm đã ảnh hưởng sâu sắc đến cảm giác của cô về mối liên hệ với những loài thực vật bị vứt bỏ.

Cô nói: “Giống như sự tồn tại của tôi chỉ là vô hình, những cây cối bị bỏ hoang trên khắp các khu vực tái phát triển của Seoul cũng bị đối xử bằng sự thờ ơ tương tự. Nhưng thực vật không quan tâm đến điều đó, chúng chỉ tiếp tục lớn lên và cố gắng hết sức để tồn tại. Chúng đã dạy cho tôi cách sống”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục