Trương Mỹ Lan nhờ gia đình bán hàng loạt bất động sản để khắc phục hậu quả

Bị cáo Trương Mỹ Lan xác nhận tòa nhà mà bị cáo nói đã ủy quyền cho con gái rao bán với giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả là tòa nhà Capital Place, ở 29 Liễu Giai, Hà Nội.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 15/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 15/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 15/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với phần xét hỏi của Hội đồng xét xử đối với các bị cáo, bị hại và người liên quan trong vụ án.

Tại tòa, Hội đồng xét xử hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về hướng giải quyết các tài sản của gia đình bị cáo và tài sản của đơn vị liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chủ tọa phiên tòa nhắc lại thông tin được bị cáo Lan cung cấp trong phiên tòa hôm 12/3 về việc bị cáo ủy quyền cho con gái là Chu Duyệt Phấn rao bán một tòa nhà với giá 1 tỷ USD ở Hà Nội để thu hồi tài sản khắc phục hậu quả vụ án.

Chủ tọa yêu cầu bị cáo Lan xác nhận có phải tòa nhà Capital Place, địa chỉ số 29 Liễu Giai (Hà Nội) là tòa nhà bị cáo nói đến không. Bị cáo Lan xác nhận đúng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết dự án này đang thế chấp vay 230 triệu USD của các ngân hàng nước ngoài. Do đó, khi bán thành công dự án và trừ đi các khoản chi phí, trả nợ ngân hàng phần còn lại gia đình bị cáo nộp để khắc phục hậu quả của vụ án.

ttxvn_bi cao 2.jpg
Các bị tại phiên tòa ngày 15/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho biết đối với dự án này thực tế đối tác tìm mua chỉ trả với giá khoảng 360 triệu USD, không có chuyện bán với giá 1 tỷ USD như bị cáo trình bày. Bị cáo Lan trình bày tòa nhà này trước đây mua với giá 700 triệu USD, thêm chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện nữa nên bị cáo ước tính tòa nhà này 1 tỷ USD.

Chủ tọa đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan nếu có chứng từ, tài liệu thể hiện dự án được đối tác đồng ý mua với giá cao thì cung cấp cho Hội đồng xét xử để xem xét.

Một bất động sản khác của bị cáo Trương Mỹ Lan là khách sạn Daewoo tại Hà Nội. Bị cáo Lan cho biết khách sạn này của Công ty cổ phần Bông Sen, công ty của gia đình bị cáo, cổ phần công ty chiếm 70%.

Bị cáo Lan cho biết gia đình cũng dự tính bán khách sạn này nhưng do trước đây Công ty Cổ phần Bông Sen từng mang khách sạn đi thế chấp để phát hành trái phiếu nên hiện khách sạn đang vướng cổ phiếu, khó thu hồi. Song, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị Hội đồng xét xử nếu thu hồi được thì đưa vào giải quyết hậu quả vụ án.

Tương tự, một công ty bảo hiểm của bị cáo Trương Mỹ Lan được con gái bị cáo gửi văn bản tới tòa, cho rằng có đối tác mua lại cổ phần của bị cáo Lan với giá 40 triệu USD, tương đương 920 tỷ đồng. Sau khi bán, tiền này dùng khắc phục hậu quả.

Đối với nhà máy sản xuất vaccine trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan đầu tư 315 tỷ đồng, trong văn bản gửi tòa, con gái bị cáo Lan cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác khác với giá 315 tỷ đồng để thu hồi khắc phục vụ án.

Về căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) diện tích gần 3.000m2, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết gia đình bị cáo mua căn biệt thự này với giá khoảng 700 tỷ đồng (khoảng 35 triệu USD).

Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan xin tòa không kê biên tài sản này vì đây là biệt thự cổ cần trùng tu để bảo tồn di tích. Hiện con gái của bị cáo đang thực hiện quá trình tu sửa biệt thự đã 5 năm nay vẫn chưa hoàn tất, còn đang dang dở.

Tại tòa, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang có mặt với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, Công ty Thành Hiếu (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang) là chủ đầu tư của 3 dự án, do thiếu nợ bị cáo Trương Mỹ Lan 450 tỷ đồng nên sau đó Phương Trang chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho bị cáo với giá 3.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, bị cáo Lan mới thanh toán được 1.250 tỷ đồng, trong khi phía Phương Trang chuyển toàn bộ giấy tờ pháp lý, con dấu để bị cáo điều hành. Vì vậy, phía Phương Trang đề nghị sẽ trả lại số tiền 1.250 tỷ đồng cho bị cáo Lan, còn bị cáo trả lại dự án cho họ.

Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang đính chính rằng công ty chuyển nhượng Công ty Thành Hiếu cho 3 cá nhân khác chứ không phải chuyển nhượng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Lan chỉ là người giới thiệu 3 người mua cho Phương Trang.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang sau đó chuyển giao con dấu, pháp nhân của Công ty Thành Hiếu cho 3 người mua trên để vận hành. Khi chuyển nhượng, Công ty Thành Hiếu chỉ mới chuyển giao dự án ở Quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho bên mua, 2 dự án còn lại chưa đủ pháp lý nên chưa giao.

Cũng theo trình bày của đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang, hiện Công ty Thành Hiếu và 3 dự án của công ty này đã bị phong tỏa mặc dù công ty không liên quan gì tới Vạn Thịnh Phát. Phía Phương Trang mong Hội đồng xét xử gỡ phong tỏa để công ty tiếp tục hoạt động.

Trước đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang, Hội đồng xét xử đề nghị đại diện Phương Trang đưa địa chỉ, thông tin liên hệ của 3 cá nhân được nhắc tới, tòa sẽ triệu tập sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục