Truyền thông Đức ca ngợi cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Hãng phát thanh truyền hình DW của Đức vừa đăng tải bài viết ca ngợi về cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Việt Nam.

Việt Nam là nước láng giềng đông dân của Trung Quốc với hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều bất cập và ngân sách ít ỏi để chống lại virus corona. Vậy bằng cách nào mà quốc gia này lại có thể khống chế tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở mức thấp như vậy?

Theo DW, trong khi đại dịch virus corona đang hoành hành ở các nước châu Âu giàu có, thì cách đó hơn 10.000km, Việt Nam - hàng xóm của Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên - nhìn chung dường như đã thoát khỏi giai đoạn cam go của dịch bệnh.

Chỉ tính riêng ở Đức, số liệu thống kê mới nhất cho thấy đã có hơn 50.871 người bị nhiễm COVID-19 và 351 người thiệt mạng vì dịch bệnh.

Trong khi đó, dù cùng chia sẻ đường biên giới dài 1.100 km với Trung Quốc, nhưng Việt Nam mới có chưa đầy 200 ca nhiễm bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong, tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1.

Ngay cả khi xem xét những con số này một cách cực kỳ thận trọng, một điều rõ ràng phải thừa nhận là: Việt Nam tới nay đã làm tốt công tác chống lại virus corona.

Truyền thông Đức ca ngợi cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong dịp Tết Nguyên đán, chính phủ Việt Nam cho biết đã "tuyên chiến" với virus corona, mặc dù khi đó dịch bệnh vẫn chưa vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Tại một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng sẽ chẳng mất bao lâu để virus corona lan tới Việt Nam. "Chống dịch như chống giặc," ông nói.

Huy động trên mọi mặt trận

Tuy nhiên, cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ của chính phủ và một hệ thống y tế công cộng vững chắc - hai điều mà Việt Nam còn thiếu và yếu.

Việt Nam không có khả năng tiến hành một cuộc chiến chống virus corona theo phong cách của Hàn Quốc - quốc gia này tính đến nay đã triển khai xét nghiệm được cho 350.000 người. Hệ thống y tế của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế.

[Dịch COVID-19: Bệnh nhân số 33 tại Thừa Thiên-Huế được xuất viện]

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố có 8 triệu dân cho biết các bệnh viện của thành phố có tổng cộng 900 giường bệnh dành cho chăm sóc đặc biệt. Khi đại dịch bùng phát trong thành phố, hệ thống y tế sẽ dễ dàng bị áp đảo.

Để chiến đấu với virus corona, Việt Nam đã đưa ra các chính sách cách ly nghiêm ngặt và thực hiện điều tra đầy đủ những người đã tiếp xúc với virus.

So với Trung Quốc, nơi các lệnh phong tỏa hoàn toàn các thành phố được sử dụng như phương sách cuối cùng để ngăn virus lây lan rộng hơn, các biện pháp này đã được tiến hành sớm hơn rất nhiều trong tiến trình dịch bệnh ở Việt Nam.

Chẳng hạn, vào ngày 12/2, Việt Nam đã ra lệnh phong tỏa một xã gần Hà Nội với dân số 10.000 người trong vòng 3 tuần. Tại thời điểm đó, mới chỉ có 10 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn quốc. Các nhà chức trách cũng tỉ mỉ thống kê bất kỳ người nào có nguy cơ đã tiếp xúc với virus.

Trong khi đó, các nước phương Tây như Đức chỉ ghi lại hồ sơ về những người đã nhiễm bệnh và những người có tiếp xúc trực tiếp với họ.

Việt Nam cũng theo dõi cả những người nghi có tiếp xúc với người nhiễm virus, gọi là các ca F2, F3 và F4. Tất cả những người này sau đó đều được áp dụng các mức độ hạn chế di chuyển và tiếp xúc nghiêm ngặt - một biện pháp đã chứng minh được hiệu quả.

Và từ rất sớm, bất cứ ai đến Việt Nam từ một khu vực có nguy cơ cao sẽ được cách ly trong 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và trường đại học trong nước cũng đã cho học sinh nghỉ học từ đầu tháng 2.

Sự giám sát của nhà nước Việt Nam

Thay vì phụ thuộc vào ngành y tế và công nghệ để ngăn chặn virus corona bùng phát, bộ máy an ninh quốc gia mạnh mẽ của Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát công cộng rộng khắp, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội được trang bị đầy đủ và được nhân dân kính trọng.

Các cán bộ phụ trách an ninh xuất hiện trên mọi con đường, đến mọi khu phố và làng xóm. Quân đội cũng triển khai binh lính cùng các thiết bị và vật tư quân đội trong cuộc chiến chống virus corona.

Sự giám sát chặt chẽ này đã giúp ngăn chặn việc người nhiễm virus lọt lưới hoặc trốn tránh các quy định.

Thủ tướng đã nói: "Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài chống dịch bệnh.

Phát ngôn này đã đánh trúng tâm lý nhiều người Việt với niềm tự hào về khả năng sát cánh bên nhau trong khủng hoảng và vượt qua khó khăn.

Truyền thông Đức ca ngợi cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam ảnh 2Khu kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã triển khai một chiến dịch thông tin lớn.

Bộ Y tế thậm chí còn tài trợ cho một bài hát hướng dẫn rửa tay đúng cách trên YouTube - bài hát này sau đó đã trở nên cực kỳ nổi tiếng.

Làm theo quy định

Mặc dù không có nghiên cứu nào chứng minh, nhưng từ mạng xã hội và các cuộc trò chuyện với người dân Việt Nam, có thể thấy đa phần dân chúng đồng tình với các biện pháp của chính phủ.

Họ tự hào rằng Việt Nam đang làm khá tốt trong việc đối mặt với khủng hoảng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã được ca ngợi trên Facebook như một "anh hùng của quốc gia."

Người dân cũng chấp nhận sự kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông.

Các thiệt hại kinh tế được dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam ngay cả khi số ca nhiễm bệnh ở mức thấp cũng được dân chúng chấp nhận như một cái giá phải trả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục