Truyền thông xã hội có định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc?

Viện Lowy, Australia đã đăng bài viết của tác giả Thomas Olsen Boyd lý giải về ảnh hưởng của các mạng truyền thông xã hội đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Truyền thông xã hội có định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trang The Intepreter của Viện Lowy, Australia, ngày 28/3 đã đăng bài viết của tác giả Thomas Olsen Boyd lý giải về ảnh hưởng của các mạng truyền thông xã hội đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Sau đây là nội dung bài viết.

Từ Bitcoin đến YouTube, mạng Internet đã làm thay đổi rất nhiều cách con người ứng xử và tương tác. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Trung Quốc, nơi có cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới, nơi mọi thứ từ thanh toán đến mua sắm trực tuyến đều đi tiên phong và được tiếp nhận một cách hào hứng.

Trong khi nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại phần lớn miễn dịch với hiện tượng này, trên thực tế tình cảm của công chúng được khuếch đại thông qua các kênh truyền thông xã hội trực tuyến đang ngày càng ảnh hưởng tới các vấn đề quốc gia đại sự của Trung Quốc.

Các ví dụ gần đây về cái gọi là "ngoại giao thịnh nộ (tantrum diplomacy)" cho thấy các phản ứng chính thức của chính phủ thường là "tiếng vọng" của các phản ứng hiếu chiến trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Một ví dụ đáng chú ý gần đây là cuộc đối đầu rất công khai giữa tập đoàn công nghệ Huawei và các chính phủ nước ngoài.

Đáp lại vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) ở Canada, Chính phủ Trung Quốc đã đáp trả bằng cách bắt giữ một số công dân Canada ở Trung Quốc.

Hình phạt ngoại giao này của Bắc Kinh đã nhận được sự hưởng ứng của những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc bằng cách kêu gọi tẩy chay điện thoại iPhone của Apple và nhãn hiệu thời trang Goose của Canada.

[Trung Quốc siết chặt hơn hoạt động kiểm duyệt truy cập Internet]

Điều này đã ảnh hưởng lớn đối với Canada Goose khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm 20%.

Trong khi một chiến dịch truyền thông xã hội như vậy phục vụ cho mục đích của Chính phủ Trung Quốc, có những ví dụ khác mà tình cảm truyền thông xã hội đang buộc Chính phủ Trung Quốc thực hiện theo cách không phù hợp với chính sách của chính phủ.

Sự đổ vỡ trong quan hệ Trung Quốc-Thụy Điển năm ngoái là một ví dụ. Sau khi một gia đình người Trung Quốc bị đuổi khỏi một khách sạn ở Stockholm, sự kiện tương đối vô hại này đã gây ra một cơn bão trực tuyến ở Trung Quốc và trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc trong năm 2018.

Trên mạng xã hội Weibo, hai chủ đề được gắn thẻ (hashtag) là "khách du lịch Trung Quốc bị cảnh sát Thụy Điển coi thường" và "truyền hình Thụy Điển lăng mạ Trung Quốc" đã nhận được hơn 220 triệu lượt xem, khiến chủ đề này thành một trong những vấn đề "hot" nhất trên mạng xã hội này trong năm 2018.

Điều đáng ngạc nhiên là sự giận dữ trên mạng truyền thông xã hội đã dẫn đến phản ứng chính thức từ Chính phủ Trung Quốc.

Các lời phàn nàn chính thức đã được gửi tới Chính phủ Thụy Điển và một tuyên bố được đưa ra, cáo buộc cảnh sát Thụy Điển đã hành xử "tàn bạo" và "gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng và vi phạm các quyền cơ bản" của công dân Trung Quốc.

Thời điểm đưa ra tuyên bố cho thấy rõ đây là một phản ứng được tạo ra do áp lực từ các phương tiện truyền thông xã hội, hơn là do những lo ngại cho sự an toàn của gia đình liên quan.

Vụ khách sạn Stockholm có thể coi là một trong những trường hợp đầu tiên Chính phủ Trung Quốc phản ứng dưới sự tác động của truyền thông xã hội, mà không phụ thuộc vào bất kỳ mục tiêu hay chiến lược rộng lớn nào.

Vậy điều gì gây ra sự phẫn nộ này trên phương tiện truyền thông xã hội, dù là thực hay ảo? Vấn đề này có 2 nguyên nhân.

Đầu tiên, bất công là một câu chuyện lịch sử có thật đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc. Cảm giác bất công và nhục nhã gây ra cho Trung Quốc bởi các cường quốc phương Tây trong suốt thế kỷ XIX và XX không chỉ được cảm nhận bởi giới tinh hoa chính trị Trung Quốc mà gần như toàn bộ đất nước.

Dân chúng bị buộc dùng thuốc phiện, các hiệp ước bất bình đẳng và bị cướp đất trắng trợn là một di sản có thực, điều này làm chệch hướng những bình luận về các sự kiện và tạo ra ấn tượng rằng thế giới vẫn đang cố gắng khuất phục và làm nhục Trung Quốc.

Lý do thứ hai có thể nằm ngay trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Ở một đất nước mà sự thể hiện, đặc biệt là thể hiện các vấn đề mang tính chính trị, bị kiểm duyệt và hạn chế cao, giới chính trị và công chúng dường như đã thỏa thuận một "khế ước xã hội" khi bình luận về các loại vấn đề này.

Đảng cầm quyền chấp nhận cho công chúng trút sự tức giận vào các thực thể nước ngoài thay vì thể hiện công khai đối với chính phủ.

Tất cả những vấn đề trên có vẻ là một trở ngại cho các chính phủ nước ngoài khi xây dựng các chính sách quản lý quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây cũng có thể được coi là một cơ hội. Cần đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển các kênh truyền thông xã hội liên kết trực tiếp với người dân Trung Quốc, điều mà cho đến nay Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ gần như độc quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục