Từ 'ô nhiễm trắng' đại dương: Cần thay đổi thói quen tiêu dùng 'xanh'

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp ra sông và đại d
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Để giảm thiểu rác thải nhựa gây "ô nhiễm trắng" từ đại dương, hướng tới mục tiêu dừng lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị từ năm 2026; cũng như thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn trong việc kinh doanh, tiêu dùng “xanh” đối với các sản phẩm nhựa, nhất là giai đoạn mua sắm cao điểm cuối năm.

Khoảng 182.000 tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm

Tại Chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa” diễn ra chiều 5/11, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh rác thải nhựa đã và đang làm "ô nhiễm trắng" đại dương, gây hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển...

Ước tính, hàng năm có khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường.

Riêng tại Việt Nam, ông Thắng cho biết ước tính mỗi năm có khoảng 182.000 tấn rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương. Trong đó, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon khó phân hủy (theo báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên).

Trước thực tế đó, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và những hành động thiết thực.

Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 1 điều (điều 73) quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp ra sông và đại dương.

Cụ thể hóa nội dung được Luật giao, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

[Việt Nam cùng các nước ASEAN giải quyết thách thức rác thải nhựa]

Theo đó, từ năm 2026 sẽ không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần như túi nylon, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch,... Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Đồng hành cùng nỗ lực chung của Chính phủ, ông Thắng cho biết thời gian qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa về giảm sử dụng túi nylon dùng một lần cũng như giảm phát sinh rác thải nhựa trong các thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon.

Từ 'ô nhiễm trắng' đại dương: Cần thay đổi thói quen tiêu dùng 'xanh' ảnh 1Chương trình truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Tuy vậy, không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ về ô nhiễm chất thải nhựa. Vì thế, thông qua Chương trình truyền thông ‘Nghìn năm rác nhựa’ với nội dung tái hiện lại những hành vi tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ tạo ra những tác hại nghiêm trọng đối với con người và môi trường, diễn ra hôm nay, chúng tôi hy vọng chương trình sẽ giúp ích nhiều cho chúng ta trong vấn đề sử dụng nhựa khôn khéo, hạn chế túi nylon và rác thải nhựa để bảo vệ sức khỏe, môi trường,” ông Thắng nói.

Thay đổi thói quen tiêu dùng từ "nâu" sang "xanh"

Tại Chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa” được trình chiếu tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, hàng trăm khách hàng tham gia mua sắm tại đây đã có dịp chứng kiến các nhân vật hóa trang thành “Quái Đất, Quái Nước, Quái Khí” xuất hiện với những hình ảnh vừa đáng sợ, vừa đáng thương. Chúng là hiện thân cho hậu quả của những hành vi tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần bừa bãi.

Sau cơn thịnh nộ của những con “quái rác” đó là sự xuất hiện của Mẹ thiên nhiên nhân từ, bao dung và thương yêu vạn vật. Mẹ thiên nhiên đã “cảm hoá” những con quái thú này để trả lại sự xanh tươi, yên bình cho Trái Đất.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu rác nhựa thuộc WWF-Việt Nam cho biết “Nghìn năm rác nhựa” là chương trình truyền thông nằm trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam” với sự tham gia của các siêu thị, nhà bán lẻ uy tín trên phạm vị cả nước.

Chương trình truyền thông hôm nay hy vọng sẽ đặt ra cho người xem những câu hỏi đáng suy ngẫm như liệu nhựa có thực sự là xấu không? hay nguyên nhân của vấn đề “ô nhiễm trắng” hiện nay là bởi cách chúng ta đang sử dụng nhựa? Từ đó tự mỗi người sẽ dần thay đổi hành vi của mình, hướng đến tiêu dùng bền vững hơn.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cùng nhau thúc đẩy cách thực hành kinh doanh và tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa, nhất là vào giai đoạn mua sắm cao điểm cuối năm,” bà Thúy nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm thương mại Big C Thăng Long cũng khẳng định đây là hoạt động rất thiết thực để doanh nghiệp thể hiện quyết tâm đồng hành cũng như “chung tay” với cơ quan quản lý vào chiến dịch tuyên truyền giảm thiểu rác túi nylon sử dụng một lần, qua đó khuyến khích khách hàng sử dụng các túi vải, túi đựng thân thiện với môi trường hơn.

“Với tinh thần đó, hiện nay chúng tôi đang dần thay thế túi nylon khó phân hủy sử dụng một lần bằng các loại túi đựng thân thiện với môi trường như túi vài hay lá chuối,… để phục vụ khách hàng. Chúng tôi tin, với sự ủng hộ của khách hàng, xu hướng tiêu dùng ‘xanh’ bền vững sẽ thành công,” ông Dũng chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục