Tục cúng rừng của đồng bào Mông ở Yên Bái: Giữ rừng mãi xanh

Lễ hội Tết rừng ở Nà Hẩu không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng.
Tục cúng rừng của đồng bào Mông ở Yên Bái: Giữ rừng mãi xanh ảnh 1Nghi thức tại lễ hội Tết rừng ở Nà Hẩu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với người Mông của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), rừng được coi là nguồn sống, là sinh kế, là mái nhà chở che và cũng là chỗ dựa tinh thần cho 484 hộ, 2.490 con người.

Người Mông tin rằng thần rừng chính là thần hộ mệnh bảo vệ thôn bản, giúp cho mùa màng tươi tốt, tránh được mọi thiên tai dịch bệnh. Chính vì vậy, những tục lệ, hương ước, tín ngưỡng thờ thần rừng như sợi dây tâm linh nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với họ, rừng không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường mà rừng cũng chính là cội nguồn của văn hóa.

Người Mông quan niệm rừng là cha, đất là mẹ, khi sống đất là của ta, rừng nuôi sống, khi chết ta là của đất, rừng chôn cất. Quan niệm sinh ra từ rừng và khi chết tất cả lại chở về với rừng đã trở thành niềm tin, tín ngưỡng trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Từ đó, rừng trở thành mảnh đất thiêng nơi có các vị thần linh cai quản, bảo vệ cho dân làng và là nơi diễn ra lễ cúng rừng để cầu phúc, tạ ơn, ăn thề theo luật tục và quy ước của thôn bản.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, đồng bào dân tộc Mông xã Nà Hẩu tổ chức Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng,” một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây.

Thông qua Lễ hội Tết rừng, đồng bào dân tộc Mông cầu mong thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản.

Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống-mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.

Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần Rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

[Độc đáo Lễ cúng rừng của người dân tộc Nùng tại Hà Giang]

Năm 2023, Lễ hội cúng rừng (Tết rừng) tại xã Nà Hẩu được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/2 (tức 28 và 29 tháng Giêng Quý Mão).

Lễ hội mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần Rừng gồm một cặp gà trống-mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.

Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương tám hướng, khấn mời Thần Rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác bên gốc cây cổ thụ.

Tục cúng rừng của đồng bào Mông ở Yên Bái: Giữ rừng mãi xanh ảnh 2Nghi thức tại lễ hội Tết rừng ở Nà Hẩu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sau lễ hội Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần Rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục.

Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo.

Tiếp theo phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống, các hoạt động tham quan du lịch, hội chợ quê người Mông với quy mô 15 gian hàng. Tại đây bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng truyền thống của đồng bào Mông.

Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nà Hẩu. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nà Hẩu với tổng diện tích tự nhiên hơn 16.000ha, nằm trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng và Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nơi đây có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng, mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm như cây chò nâu, dổi, trám, de, lát hoa, pơmu...

Khu bảo tồn này cũng là nơi sinh sống của khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, gần 50 loài bò sát, trong đó có nhiều loài trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa, chim hồng hoàng.

Với niềm tin bảo vệ rừng, rừng sẽ bao bọc, chở che cho dân bản mà hàng trăm năm qua việc giữ rừng, đặc biệt những khu rừng thiêng của người Mông, đã được đưa vào hương ước của đồng bào nơi đây.

Theo hương ước đó, rừng thiêng là nơi không ai được xâm phạm đến không được vào chặt phá và làm những điều không được làm. Tất cả sự vô tình hay cố ý được xem như vi phạm luật tục.

Tính nghiêm trọng của sự vi phạm được thực hiện ở hình thức xử phạt như: nộp trâu, dê, lợn, gà, xôi và rượu…Nhờ vậy, đến nay hầu như những cánh rừng thiêng, rừng tâm linh đều được các thôn bản trong xã gìn giữ và bảo vệ rất hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục