Tuyển dụng quý 3: Dệt may giảm mạnh, thương mại điện tử tăng đột biến

Trong quý 3, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng cao, tăng đến 50% so với thời điểm trước tháng 7, có rất nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuyển dụng quý 3: Dệt may giảm mạnh, thương mại điện tử tăng đột biến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: blog.paycorp.co.za)

Trong quý 3 này, nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề nói chung vẫn sụt giảm trong khi ở một số các ngành nghề về hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, năng lượng hay bảo hiểm lại gia tăng nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Mức lương cao nhất ghi nhận trong quý này là 280 triệu đồng/tháng đến từ ứng viên trong ngành ngân hàng.

Đây là thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam quý 3 do Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search vừa công bố hôm nay.

Tuyển dụng dệt may giảm mạnh

So với cùng kỳ năm ngoái thì quý 3 năm 2020 khách hàng của Navigos Search đã giảm 23,5 % nhu cầu tuyển dụng.  Đặc biệt, ngành dệt may giảm sâu nhu cầu tuyển dụng, nhân sự đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao ngay cả khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát

Do là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ hai vào tháng 8, đa số các doanh nghiệp dệt may giảm đáng kể về nhu cầu tuyển dụng. Sự sụt giảm này là do sức mua của các khách hàng ngành dệt may tại châu Âu, Mỹ và các thị trường khác giảm. Bên cạnh đó, kể từ tháng 2 đến đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp trong ngành này thay đổi mặt hàng sản xuất, chuyển đổi từ may quần áo sang may khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, nhân sự ngành dệt may trong quý 3 cũng phải đối mặt với những khó khăn như giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm lương tại các công ty có quy mô lớn. Các công ty có quy mô nhỏ áp dụng việc cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự. Một số trường hợp cá biệt phải đóng cửa không hoạt động trong một thời gian.

“Các ứng viên trong ngành này đang phải đối mặt với những thử thách về sự an toàn công việc khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Khả năng tìm công việc mới sẽ khó, và còn khó hơn khi tìm được các công việc mới mà không bị giảm lương so với mức lương hiện tại,” bà Nguyễn Phương Mai cho hay.

Nhiều cơ hội việc làm ở lĩnh vực thương mại điện tử

Trong khi ngành dệt may sụt giảm nhu cầu tuyển dụng mạnh thì các ngành sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin nằm trong top 3 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất quý 3. 

Theo phân tích của Navigos Search tại thị trường phía Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng rất cao, khoảng 40%-50% so với thời điểm COVID-19 diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay. Lý do chính dẫn đến sự tăng đột biến là các khách hàng trong ngành này chuyển hướng mạnh sang kinh doanh trực tuyến dẫn đến nhu cầu tìm kiếm các ứng viên trong mảng thương mại điện tử (e-commerce), tiếp thị số (digital marketing), bán hàng online (sales online). Các ứng viên trong mảng này có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.

Tuyển dụng quý 3: Dệt may giảm mạnh, thương mại điện tử tăng đột biến ảnh 2Phân loại hoàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

[Cơ hội cho lao động thương mại điện tử trong cơn khủng hoảng "Corona"]

Bà Nguyễn Phương Mai cho rằng, một trong những trở ngại cho các ứng viên người Việt là họ chưa có chuyên môn sâu về thương mại điện tử và digital (số hóa) dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước và các công ty nước ngoài phải mời những ứng viên là Việt kiều hoặc người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Điều này cũng làm tăng tính cạnh tranh chất xám trong ngành công nghệ tại thị trường việc làm.

Trong quý 3 này, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và bảo hiểm có nhu cầu mạnh về tuyển dụng số lượng lớn phục vụ cho các dự án cũng như tạo nguồn nhân sự cho tổ chức. Các vị trí chuyên viên tài chính tư vấn có sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng cao trong mảng bảo hiểm. Bên cạnh đó, do tính chất ngành công nghệ thông tin hoạt động trên nền tảng trực tuyến nên các công ty về thuê ngoài (outsourcing) hay phát triển sản phẩm vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí kỹ sư lập trình chưa cần nhiều kinh nghiệm.

Một số công ty công nghệ đa quốc gia mới vào thị trường Việt Nam cũng đặc biệt tập trung vào tuyển dụng số lượng lớn nhân sự ngành IT để đáp ứng nhu cầu phát triển chi nhánh tại Việt Nam. Do số lượng nhân sự công nghệ chất lượng tại thị trường còn ít nên các doanh nghiệp này có định hướng tìm kiếm và đào tạo nguồn ứng viên từ cấp trung học phổ thông.

Trong quý 3, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng đang có những dấu hiệu tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới do một số dự án năng lượng lớn đã bắt đầu triển khai cùng những quy định mới của Chính phủ trong việc quy hoạch và đề ra chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Tín hiệu tích cực này đem đến cơ hội cho các ứng viên có chuyên môn, tiếng Anh tốt, kỹ năng mềm tốt khi họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc tốt và các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả mức lương cao hơn mặt bằng chung của thị trường.

Theo chuyên gia của Navigos Search, do có sự gia tăng đột biến về nhu cầu tuyển dụng nên các doanh nghiệp trong ngành năng lượng cũng hạ thấp tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố chuyên môn nhưng đề cao khả năng tiếng Anh và giao tiếp tốt của ứng viên. Bên cạnh đó, các ứng viên là người địa phương nơi triển khai các dự án năng lượng lớn cũng có nhiều cơ hội được tuyển dụng do các doanh nghiệp có xu hướng muốn tìm kiếm các ứng viên có thể gắn bó lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục