Cơ hội cho lao động thương mại điện tử trong cơn khủng hoảng "Corona"

Theo ghi nhận của Navigos Search, trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp quản lý trong ngành thương mại điện tử vẫn tăng, ngược lại với xu hướng trì hoãn tuyển dụng của các ngành khác.
Cơ hội cho lao động thương mại điện tử trong cơn khủng hoảng "Corona" ảnh 1Thương mại điện tử là một trong số ít ngành vẫn duy trì nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong quý 1. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Hôm nay 17/4, Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search đã công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự  cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam trong quý 1.

Theo Navigos Search, trong quý 1 có hai xu hướng trong tuyển dụng nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao. Một số doanh nghiệp chọn giải pháp tạm thời ngưng các hoạt động tuyển dụng, trong khi đó một số doanh nghiệp lại xem đây là cơ hội tốt để tuyển dụng và chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh. Đặc biệt, thời buổi dịch bệnh đã khiến nguồn cung nhân lực cho ngành thương mại điện tử trở nên khan hiếm.

Thương mại điện tử "lên ngôi"

Là một trong số những ngành ít chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 trong quý 1, thương mại điện tử đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp. Theo ghi nhận của Navigos Search, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự quản lý ở các vị trí phát triển kinh doanh, marketing và các vị trí kỹ thuật chuyên môn về E-Commerce.

Nguồn cung nhân sự cho mảng thương mại điện tử ở Việt Nam còn khan hiếm vì đây là ngành mới tại Việt Nam. Do đó các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng ứng viên đã có kinh nghiệm trong cùng ngành và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài. Mặt bằng lương cho các ứng viên trong ngành này có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và sẽ duy trì như vậy trong thời gian từ 3-5 năm tới.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định: “Sự tác động bất ngờ của đại dịch COVID-19 lên toàn cầu đã trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp để có thể duy trì đội ngũ nhân sự và hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ và các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.”

“Các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn, ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, sẽ có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài một khi nhu cầu bùng nổ trở lại,” bà Nguyễn Phương Mai nhấn mạnh.

Cơ hội cho nhân sự quản lý "made in Việt Nam"

Chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn do dịch COVID-19, do đó đa số các nhà máy đều chịu ảnh hưởng phải dừng sản xuất hoặc dừng một phần do nhu cầu mua hàng giảm sút. Bên cạnh đó, các quyết định tuyển dụng của các nhà đầu tư đang phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia. Trong quý 1, một số dự án chậm triển khai do các vị trí nhân sự quan trọng không thể sang Việt Nam, một số dự án xây dựng nhà máy mới chậm tiến độ do phải đảm bảo khoảng cách với công nhân xây dựng.

Trong thời điểm này, nhiều vị trí tuyển dụng nhân sự quản lý trong ngành sản xuất phải tạm hoãn. Trong quý 1, nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ như phỏng vấn sơ bộ trực tuyến và sẽ đưa ra quyết định chính thức khi có thể gặp mặt trực tiếp với ứng viên.

Những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự người nước ngoài do chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia đang đem lại cơ hội cho lao động Việt Nam. Trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng nhân sư quản lý cấp trung và cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được giữ ổn định. Tuy nhiên, đối với ứng viên Nhật Bản sẽ phải chờ thị thực và giấy phép lao động lâu hơn nên ngày đi làm có thể bị trì hoãn. Do đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã cân nhắc mở rộng cơ hội cho ứng viên Việt Nam đối với các vị trí quản lý.

[ILO dự báo dịch COVID-19 sẽ 'cướp đi' 195 triệu việc làm trong quý 2]

Không chỉ ngành sản xuất mà một số ngành như giáo dục, dịch vụ du lịch/khách sạn, bất động sản, công nghiệp... mặc dù trước đó được dự đoán sẽ tăng tưởng trong năm 2020 nhưng tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã hạn chế tuyển dụng và các ứng viên cũng e ngại tìm kiếm cơ hội mới.

Để dồn lực giải quyết COVID-19, trong quý 1 các ngân hàng đã tạm ngưng tuyển dụng để phát triển ngân hàng số. Mặt khác, ngành ngân hàng đang xuất hiện tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, một số ngân hàng đã phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục