Jeff Bezos hạ bệ Elon Musk để trở thành người giàu nhất hành tinh

Tỷ phú Jeff Bezos đã vượt qua Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng là 200 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.

Tỷ phú Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới. (Nguồn: AFP)
Tỷ phú Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới. (Nguồn: AFP)

Tỷ phú Jeff Bezos đã một lần nữa trở thành người giàu nhất Trái đất, sau khi vượt qua Elon Musk. Đây là thông tin nằm trong bảng xếp hạng người giàu Bloomberg Billionaires nổi tiếng, được công bố hôm 4/3.

Trang tin CNN dẫn nguồn Bloomberg Billionaires cho biết giá trị tài sản ròng của người sáng lập công ty Amazon đã tăng lên 200 tỷ USD, vượt qua Musk với tổng tài sản 198 tỷ USD. Trong năm ngoái, Musk đã lỗ khoảng 31 tỷ USD, còn Bezos khiến khối gia sản của ông phình to thêm 23 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Musk đã giành danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay Giám đốc Điều hành LVMH (LVMHF) Bernard Arnault, người đang quản lý một trong những tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới, với các thương hiệu lừng danh như Louis Vuitton, Dior và Celine.

Cả ba tỷ phú này, gồm Musk, Arnault và Bezos, đã "cạnh tranh" với nhau để giành vị trí dẫn đầu trong suốt nhiều tháng. CNN nói rằng Arnault từng là người giàu nhất thế giới, khi tài sản của ông ngày càng tăng cao do doanh số bán xa xỉ phẩm bùng nổ. Hoạt động kinh doanh thuận lợi đã giúp đẩy giá cổ phiếu của LVMH lên cao.

Trong khi đó, 2023 là năm không thuận lợi với Musk và vận đen dường như tiếp tục đeo bám ông. Đầu năm nay, một thẩm phán của tòa án bang Delaware đã không chấp nhận một gói chi trả thù lao cho Musk được thực hiện vào năm 2018, với tổng trị giá hơn 50 tỷ USD. Gói chi trả này đã giúp Mush trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu công ty Tesla thuộc sở hữu của Mush cũng giảm khoảng 24%.

Tuy nhiên danh hiệu người giàu nhất thế giới thường chỉ mang tính biểu tượng và được hoán đổi vài tháng một lần, tùy thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Theo báo cáo bất bình đẳng hàng năm của Oxfam, Musk, Arnault và những nhân vật khác trong nhóm 5 người giàu nhất thế giới vẫn nắm giữ rất nhiều tài sản. Điều đáng nói là họ tiếp tục trở nên giàu hơn rất nhiều trong những năm gần đây.

Báo cáo của Oxfam, công bố hồi tháng 1 năm nay, cho thấy kể từ năm 2020, giá trị tài sản ròng của top 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng vọt 114% lên tổng cộng 869 tỷ USD, sau khi đã tính đến lạm phát. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, thế giới có thể chứng kiến sự xuất hiện của tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên sau một thập kỷ nữa.

Trong top 5, Musk đã chứng kiến khối tài sản tăng vọt lên 245,5 tỷ USD vào cuối tháng 11/2023. Con số này đã tăng 737% so với tháng 3/2020, sau khi tính đến lạm phát.

Oxfarm nói rằng Arnault và gia đình ông có tài sản ròng là 191,3 tỷ USD, tăng 111%. Lần lượt tiếp sau là Bezos với khối tài sản 167,4 tỷ USD, tăng 24%; người sáng lập công ty Oracle Larry Ellison với 145,5 tỷ USD, tăng 107% và Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway, ông Warren Buffett, người đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng 48% lên 119,2 tỷ USD.

Theo Oxfam, kể từ năm 2020, tài sản của các tỷ phú đô la đã tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD, tương đương 34%. Tốc độ tăng tài sản của họ nhanh gấp ba lần so với tỷ lệ lạm phát.

Hơn nữa, 1% người giàu nhất hành tinh cũng đang nắm giữ 43% tài sản tài chính của thế giới. Oxfam đưa ra con số này dựa trên dữ liệu từ Wealth X. Tính theo quốc gia và khu vực, tại Mỹ, nhóm 1% người giàu nhất đang sở hữu 32% tài sản tài chính; ở châu Á là 50%; ở Trung Đông là 48% và ở châu Âu là 47%.

Trong báo cáo công bố năm nay, Oxfam nói rằng các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang thu về rất nhiều lợi nhuận, qua đó giúp làm tăng đáng kể tài sản của những người giàu có.

Cụ thể, khoảng 148 tập đoàn lớn nhất thế giới đã kiếm được gần 1,8 nghìn tỷ USD lợi nhuận trong 12 tháng, tính đến tháng 6/2023. Con số cao hơn 52,5% so với mức trung bình của chính những công ty này trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.

Hiện 7/10 công ty lớn nhất thế giới có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán đang nằm dưới sự quản lý của một CEO là tỷ phú đô la, hoặc tỷ phú đô la đóng vai trò cổ đông chính của công ty.

Ở chiều ngược lại, gần 5 tỷ người trên toàn cầu đã trở nên nghèo hơn, khi họ phải đối mặt với lạm phát, chiến tranh và khủng hoảng khí hậu. Sẽ phải mất gần 230 năm để thế giới có thể xóa đói giảm nghèo nếu dựa trên quỹ đạo hiện tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục