Uẩn khúc một vụ án?

Uẩn khúc trong vụ án chiếm đoạt hơn 50 lượng vàng

Vụ việc Lê Thị Thanh Bình bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên 14 năm tù vì tội chiếm đoạt 50,951 lượng vàng còn nhiều uẩn khúc.
Vụ việc Lê Thị Thanh Bình, sinh năm 1983, ở tiểu khu 10, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50,951 lượng vàng của Công ty trách nhiệm hữu hạn vàng bạc Kim Hoàn đang gây xôn xao dư luận vì nhiều uẩn khúc.

Theo Luật sư Nguyễn Đình Ứng, Văn phòng Luật sư Nhật Lệ-Đoàn Luật sư Quảng Bình, công tác tố tụng trong vụ án Lê Thị Thanh Bình “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đầy rẫy bất thường. Đây là vụ án nặng tính suy diễn, áp đặt, thiếu chứng cứ buộc tội. Vì vậy, việc cố kết để cho ra một bản án như phiên tòa sơ thẩm khiến mọi người không tâm phục, khẩu phục.

Theo luật sư, đây là một bản án liên quan đến số phận con người nên không thể qua loa, đại khái, suy diễn để rồi tuyên án một cách hồ đồ.

Những điều bất thường…


Vào 20 giờ 30 phút ngày 2/2/2010, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Hoàn tiến hành kiểm kê đối với số vàng 18K do Lê Thị Thanh Bình quản lý. Trong quá trình kiểm kê, Công ty Kim Hoàn cho rằng số vàng Bình được giao quản lý thiếu 50,951 lượng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên Lê Thị Thanh Bình 14 năm tù. Trong quá trình bị điều tra và xét xử, Lê Thị Thanh Bình khẳng định mình bị oan. Nghiên cứu kỹ vụ án này mới thấy rằng việc kêu oan của Bình là có cơ sở.

Trước hết, kết quả điều tra, tố tụng dựa trên bản kiểm kê thiếu sự minh bạch của Công ty Kim Hoàn. Việc kiểm kê này, theo nhiều người, là chưa có tiền lệ ở công ty bởi nó diễn ra ngoài giờ làm việc, theo ý kiến riêng của bà cửa hàng trưởng Lê Thị Loan - vợ ông Trần Đình Tân, Giám đốc công ty.

Theo tường trình của Bình, trong quá trình kiểm kê, hai mẹ con bà chủ là Lê Thị Loan và Hoàng Thị Quê tự lấy vàng ra cân và tự ghi trọng lượng. Cô Nguyễn Thị Hiền được bà Loan giao một số việc. Bình bị bà Loan bắt ngồi ở xa nhìn lại. Vì vậy, số lượng và trọng lượng kiểm kê thực tế là bao nhiêu Bình không giám sát được.

Sau khi kiểm kê xong, bà Loan sai con mình đem vàng xuống phòng riêng của bà cất giữ. Sau đó bà Loan mới thông báo thiếu 53,453 lượng vàng và gọi điện thoại cho bà Lê Thị Bích Lựu - kế toán công ty đến lập biên bản.

Bà Loan cũng đã thu giữ điện thoại di động của Bình và sai nhân viên đóng hết cửa, tạm giữ Bình ở ngay công ty.

14 giờ chiều ngày hôm sau, khi Lê Thị Dung - nhân viên bán hàng nghi ngờ trong quá trình kiểm kê, bà Loan có lấy nhầm vàng của mình nên Dung đề nghị kiểm tra lại. Kết quả kiểm tra lại đúng là có việc lấy nhầm vàng của Dung và trong quá trình kiểm kê vàng của Bình, bà Loan còn chưa trừ đi trọng lượng các hạt ngọc đính trên các sản phẩm vàng.

Thực tế, nếu trừ đi số vàng của Dung và trọng lượng các hạt ngọc, chắc chắn trọng lượng vàng của Bình sẽ ít hơn, nghĩa là số vàng bị mất của công ty sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, sau khi đã trừ số vàng của Dung và trọng lượng các hạt ngọc, số vàng bị mất giảm xuống còn 50,951 lượng.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng ở tỉnh Quảng Bình không xem xét, làm rõ vụ việc này mà tin ngay vào kết quả kiểm kê trên để "chốt" luôn con số thất thoát.

Bản kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình cho rằng trong tổng số 50,951 lượng vàng thất thoát mà Công ty Kim Hoàn kiểm kê được chỉ có 57 vòng  với trọng lượng 17,777 lượng vàng đủ cơ sở để xác định Lê Thị Thanh Bình chiếm đoạt, còn 33,174 lượng thiếu cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự.

Khi mà kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra đang được xem là thiếu tính thuyết phục thì căn cứ vào đó, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Công Kê lại đưa ra quyết định truy tố Lê Thị Thanh Bình tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50,951 lượng vàng.

... và kẽ hở chết người


Thực tế, khâu quản lý vàng ở Công ty Kim Hoàn có nhiều kẽ hở.

Ngày 1/1/2006, Bình được nhận vào làm việc ở công ty và đến ngày 31/12/2008, hợp đồng của Bình hết hạn nhưng chị không được ký tiếp mà vẫn đi làm. Ngoài công việc chính là bán vàng, Bình còn phải làm thêm nhiều việc khác khi công ty yêu cầu. Bình được giao nhận vàng 18K để bán công ty giao cho Bình và Lê Thị Dung sử dụng một két sắt để cất giữ vàng. 

Ngày làm việc của Bình tại công ty thường bắt đầu từ 6 giờ 30 phút và kết thúc vào 17 giờ 30 phút. Cuối giờ làm việc mỗi ngày, đại diện công ty kiểm tra số lượng, trọng lượng vàng do Bình giữ sau đó cất vào két sắt rồi mới ra về. Như vậy, rõ ràng, Bình chỉ được quản lý số vàng trong thời gian làm việc tại công ty.

Chiếc két sắt có 2 lớp cửa, chìa khóa và mã số lớp ngoài do gia đình chủ giữ, 1 chìa khóa lớp trong do Bình và Dung giữ. Bình và Dung chỉ được giao một chìa, còn những chìa khác không rõ ai giữ, do vậy cửa két sắt phía trong không thực sự an toàn.

Dung và Bình chỉ có mặt và có thể quản lý được két sắt trong 8-12 giờ đồng hồ làm việc/ngày tại công ty. Thời gian còn lại chiếc tủ sắt này nằm chính ngay trong gia đình giám đốc. Đây có thể là một kẽ hở chết người.

Theo Bình, thời điểm Bình đến công ty để kiểm kê là 8 giờ 30 phút. Khi tiếp xúc với két sắt đựng vàng, Bình thấy cửa đã mở cả trong lẫn ngoài.

Ông Trần Đình Tân, Giám đốc công ty thừa nhận chiếc két đã được sử dụng khá lâu và nhiều lần gãy chìa khóa, phải cắt lại chìa. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng Bình nói dối về việc lúc đến kiểm kê thấy cửa trong và cửa ngoài két sắt đều đã mở. Thực tế là ông Tân cũng không có mặt vào thời điểm kiểm kê vàng.

Như vậy, việc quản lý chiếc két sắt ở Công ty Kim Hoàn còn rất nhiều điều cần phải làm rõ nhưng trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra không quan tâm đến vấn đề này mặc dù Bình liên tục yêu cầu làm rõ. Bên cạnh đó, Bình cũng yêu cầu kiểm tra, công bố dữ liệu camera an ninh ở Công ty Kim Hoàn nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra cũng không thực hiện. 

Bình tiết lộ rằng "Ông giám đốc nhiều lần tán tỉnh và rủ rê em... Chuyện ông ấy "si" em, có tình cảm với em nhiều người ở công ty biết, bà chủ cũng biết." Với chi tiết này, nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là cái mầm họa gây nên vụ án bất thường.

Cuối tháng Sáu này, phiên tòa phúc thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Lê Thị Thanh Bình sẽ được đưa ra xét xử./.

Trang Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục