Ukraine: Bất cập nảy sinh đe dọa thỏa thuận ngừng bắn Minsk II

Dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk II đã có hiệu lực được một năm, song nhiều nội dung của thỏa thuận gồm 13 điểm này vẫn không được thực thi đầy đủ.
Ukraine: Bất cập nảy sinh đe dọa thỏa thuận ngừng bắn Minsk II ảnh 1Cảnh hoang tàn ở Donbass. (Nguồn: AP)

Dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk II đã có hiệu lực được một năm, trong đó phía quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đã tiến hành rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giới tuyến, tiến hành một số cuộc trao đổi tù binh, nhưng nhiều nội dung của thỏa thuận gồm 13 điểm này vẫn không được thực thi đầy đủ, trong đó mấu chốt là việc chính quyền Kiev gần như không thúc đẩy cải cách hiến pháp nhằm công nhận quy chế đặc biệt cho vùng Donbass.

Các chuyên gia cho rằng sự chậm trễ cải cách trên xuất phát từ hai yếu tố là giới lãnh đạo cao nhất tại Kiev còn do dự trong việc cải cách do không muốn trao quy chế đặc biệt cho Donbass và nội bộ chính quyền Kiev, đặc biệt là Quốc hội Ukraine, còn nhiều bất đồng trong cải cách hiến pháp.

Sự chia rẽ này được thể hiện gần đây nhất qua việc Quốc hội Ukraine phải bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Arseny Yatsenyuk và ông Yatsenyuk đã phải tuyên bố từ chức hôm 10/4.

Một vấn đề lớn khác tồn tại trong việc thực thi thỏa thuận Minsk II là chưa làm rõ được những nội dung liên quan điều kiện tiên quyết cho bầu cử địa phương ở các vùng thuộc khu vực Donbass nằm ngoài tầm kiểm soát của Kiev.

Các nhà lãnh đạo Ukraine giữ nguyên quan điểm là những cuộc bầu cử này chỉ được phép tiến hành sau khi thỏa thuận ngừng bắn được thực thi toàn diện, và sau khi Ukraine dành lại hoàn toàn quyền kiểm soát lãnh thổ biên giới quốc gia.

Chính quyền Kiev cũng đòi hỏi các lực lượng chính trị xuất hiện tại Ukraine sau cuộc biểu tình Maidan năm 2014 đều phải được phép tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương.

Trong khi đó, lãnh đạo hai Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết là sửa đổi hiến pháp và khẳng định sẽ chỉ chuyển giao lại cho Kiev việc tái kiểm soát biên giới quốc gia chỉ sau khi hoàn tất bầu cử.

 

Theo một số nhà phân tích, thỏa thuận Minsk II cần tiếp tục được cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế, và thậm chí các bên có thể còn phải hướng tới một thỏa thuận Minsk III hoặc ít nhất là một lộ trình cụ thể và phù hợp hơn để hiện thực hoá thỏa thuận Minsk II.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4/2014 đến nay, đã có tới hơn 9.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục