Quyết định của Chính phủ Ukraine dừng công tác chuẩn bị ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 11 xuất phát từ việc không giải quyết được vấn đề đền bù những thiệt hại mà nền kinh tế nước này có thể phải hứng chịu do liên kết với EU.
Tuy nhiên, khả năng thỏa thuận này được ký kết vào đầu năm 2014 tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-EU tiếp theo vẫn còn để ngỏ. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Mykola Azarov trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 24/11.
Ông Azarov cho biết, Kiev đã hy vọng được EU đền bù cho những thiệt hại kinh tế do việc thu hẹp xuất khẩu sang Nga và các nước Liên minh Hải quan đem lại (trong trường hợp Ukraine liên kết với EU). Kiev muốn EU hỗ trợ nước này đàm phán để được nhận khoản vay của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF).
Tuy nhiên, thái độ "án binh bất động" của EU trong việc đưa ra đảm bảo đền bù đã khiến cho những điều kiện mà Ukraine nhận được khi liên kết với EU không vượt trội so với điều kiện mà nước này được hưởng nếu gia nhập Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.
Và "giọt nước cuối cùng" khiến Chính phủ Ukraine phải đưa ra quyết định bất ngờ ngày 21/11 trên là bức thư của IMF. Đáp lại đề nghị được nhận khoản vay của Kiev để tiến hành cải cách, IMF đã đưa ra những điều kiện mà ông Azarov đánh giá là "không thể chấp nhận được."
Bên cạnh đó, ông Azarov khẳng định Ukraine đã nhượng bộ khá nhiều khi soạn thảo văn bản hiệp định liên kết với EU, ví dụ như EU áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa Ukraine cũng như không nêu triển vọng trở thành thành viên EU trong hiệp định. Điều này thể hiện nguyện vọng hội nhập châu Âu của đất nước, tuy nhiên Chính phủ Ukraine không thể bỏ qua các lợi ích quốc gia.
Mặc dù vậy, Thủ tướng M.Azarov không loại trừ khả năng hiệp định liên kết với EU có thể được ký kết vào đầu năm 2014.
Theo lời ông, EU không coi quyết định tạm ngừng liên kết của Kiev là thảm họa. Thậm chí, Đại diện EU về vấn đề mở rộng và chính sách láng giềng Stefan Fule còn tuyên bố Ukraine và EU có thể ký liên kết tại Hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên lần tới vào năm 2014.
Ngày 21/11, Chính phủ Ukraine đã quyết định ngừng mọi công tác chuẩn bị cho ký kết hiệp định liên kết với EU tại Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tại Vilnius (Litva) cuối tháng này.
Cùng ngày, tại thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine, người ủng hộ đường lối châu Âu đã tuyên bố bắt đầu hoạt động "Vì một nước Ukraine châu Âu" để phản đối quyết định trên.
Theo tin từ cơ quan bảo vệ pháp luật Ukraine, gần 20.000 người đã tham gia biểu tình tại Kiev, lúc đông nhất lên đến 50.000 người. Các thành viên đối lập đã dựng các lều bạt trên quảng trường trung tâm thành phố và tuyên bố thành lập "Bộ tổng tham mưu" để tổ chức cuộc biểu tình kéo dài vô thời hạn.
Ngày 24/11, người biểu tình đã đưa ra một loạt yêu sách, trong đó đòi chính phủ từ chức, triệu tập họp quốc hội bất thường vào ngày 27/11 để thông qua gói dự luật về hội nhập châu Âu.
Trong trường hợp quốc hội không thể thực hiện các yêu cầu trên, phe đối lập dự định sẽ đòi giải tán quốc hội và bầu cử trước thời hạn.
Người biểu tình đã phong tỏa hoạt động giao thông trên đường phố chính của thủ đô Kiev, buộc cơ quan chức năng phải sử dụng hơi cay và các phương tiện đặc dụng để giải tán đám đông, một số người biểu tình quá khích đã ném bất kỳ vật gì tìm được vào lực lượng bảo vệ trật tự, một vài cuộc ẩu đả đã xảy ra.
Báo chí địa phương đưa tin hai cảnh sát và một người biểu tình đã bị thương. Thời hạn kết thúc hoạt động biểu tình trong ngày theo đăng ký với chính quyền là 23 giờ giờ địa phương, tuy nhiên sau thời điểm đó vẫn còn khoảng 1.000 người, chủ yếu là thanh niên, không rời khỏi đoạn phố chính dài 300 mét nối hai quảng trường trung tâm, tiếp tục hô vang khẩu hiệu ủng hộ châu Âu./.