UNESCO báo động trước tình trạng thiếu kỹ sư

UNESCO báo động tình trạng thiếu kỹ sư và hiện trạng này đang đe dọa sự phát triển và triển vọng của nghề kỹ sư trong tương lai.
Trong báo cáo toàn cầu ra ngày 29/10, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã báo động tình trạng thiếu kỹ sư trên thế giới và hiện trạng này đang đe dọa sự phát triển và triển vọng của nghề kỹ sư trong tương lai.

Tình trạng này đang diễn ra khi mà thế giới đang cần những giải pháp sáng tạo của giới kỹ sư để đối phó với thách thức lớn nhất của nhân loại từ xóa đói nghèo đến chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo của UNESCO được hoàn chỉnh bởi hơn 120 chuyên gia khắp thế giới được coi là nền tảng để hiểu biết hơn về nghề kỹ sư, vốn rất đa dạng và bao trùm nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, nhấn mạnh trong 150 năm qua, nghề kỹ sư và các công nghệ đã làm thay đổi thế giới nhưng lợi ích của quá trình thay đổi này bị phân chia không đồng đều trên toàn cầu, trong đó 3 tỷ người không được tiếp cận nước sạch và gần 2 tỷ người không được sử dụng điện.

Báo cáo nêu rõ nhu cầu về kỹ sư giỏi đang tăng đột biến trên khắp thế giới. Chỉ riêng khu vực Nam sa mạc Sahara đã cần tới 2,5 triệu kỹ sư và kỹ thuật viên mới để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về nước sạch và các điều kiện vệ sinh.

Nhìn chung, nạn thiếu kỹ sư được ghi nhận ở hầu hết các nước. Vì thế, UNESCO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đào tạo các kỹ sư mới và các nước cần có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn để thu hút lớp trẻ theo nghề này.

Báo cáo chỉ rõ thế hệ trẻ không muốn theo nghề kỹ sư vì nhận thức rằng đây là nghề lao động vất vả và tẻ nhạt, đồng lương không tương xứng với trách nhiệm trong khi các chính phủ không chú trọng đến nghề này trong các chính sách phát triển. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức về nghề kỹ sư cũng như tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng xã hội và đổi mới khoa học công nghệ.

Chính nghề kỹ sư cũng cần đổi mới, đặc biệt là cách tiếp cận về giáo dục và đào tạo, thúc đẩy nghề kỹ sư "xanh" bền vững để có thể giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục