UNFPA tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam

Trong hơn 40 năm qua, UNFPA có những hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.
UNFPA tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam ảnh 1Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam. (Nguồn: UNFPA)

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, song một số tổ chức quốc tế trực thuộc hệ thống thể chế đa phương lớn nhất hành tinh đã viện trợ cho Việt Nam từ năm 1975; trong số đó phải kể đến Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Trong hơn 40 năm qua, UNFPA đã có những hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong lĩnh vực y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2021), Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về mối quan hệ hợp tác giữa tổ chức này với các đối tác Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng phát triển trong thời gian tới. 

- Xin bà chia sẻ đánh giá của mình về các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và người dân Việt Nam, với tư cách là những đối tác đang hợp tác, hỗ trợ UNFPA đạt được sứ mệnh của mình tại đây?

Bà Naomi Kitahara: Tôi bắt đầu đảm nhận vị trí Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam vào tháng 9/2019, khi Văn phòng UNFPA đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình quốc gia lần thứ 9.

Thực ra kinh nghiệm của tôi về Việt Nam phải tính từ 20 năm trước, khi tôi công tác ở trụ sở của UNFPA tại New York, phụ trách theo dõi các dự án tại Việt Nam.

Ở cương vị đó, tôi đã có cơ hội đến Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật cho Văn phòng đại diện của UNFPA. Bây giờ khi trở lại Việt Nam, tôi được chứng kiến nhiều thay đổi đáng kinh ngạc.

Việt Nam hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình, với tiềm năng phát triển rất cao, nhờ vào những con người năng động, chăm chỉ, cũng như cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa đất nước lên một trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao hơn.

UNFPA tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam ảnh 2Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam bế một bé sơ sinh trong chuyến công tác tại Lai Châu, tháng 5/2021. (Nguồn: UNFPA Vietnam)

Sứ mệnh của UNFPA là hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu không có ca tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được, không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng và không có bạo lực dựa trên cơ sở giới cùng những thực hành có hại đối với phụ nữ, trẻ em gái trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030.

[UNFPA hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch]

Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các bên liên quan để cải thiện khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ có chất lượng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; thu thập và phân tích dữ liệu dân số chất lượng cao; giải quyết vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới; thúc đẩy phát triển của thanh niên và cung cấp bảo trợ xã hội cho người già.

Các đối tác của chúng tôi rất đa dạng bao gồm các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan truyền thông, khu vực tư nhân cũng như các đối tác phát triển khác trong và ngoài hệ thống Liên hợp quốc.

Chúng tôi rất cảm ơn sự hợp tác tuyệt vời mà chúng tôi đã có được với tất cả các đối tác của mình. Gần đây, chúng tôi đã thành công không chỉ trong việc củng cố các quan hệ đối tác hiện có mà còn phát triển thêm các quan hệ đối tác mới, đặc biệt là với khu vực tư nhân để đạt hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Chúng tôi rất vinh dự có được quan hệ đối tác và hợp tác vững chắc như vậy vì nếu không có những quan hệ đó thì việc triển khai chương trình quốc gia của chúng tôi sẽ không đạt được hiệu quả như vậy.

- Điểm nổi bật trong các dự án, chương trình của UNFPA tại Việt Nam gần đây là gì, thưa bà?

Bà Naomi Kitahara: Đã hoạt động tại Việt Nam hơn 40 năm, UNFPA rất tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 72% trong những năm qua và Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đạt được kết quả này.

Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực triển khai khám chữa bệnh từ xa như một phần của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam nhằm đảm bảo mọi người dân được tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục có chất lượng.

Cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao-Thương mại Australia (DFAT), chúng tôi đã tổ chức cuộc Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới cho đến nay đã hai lần thực hiện cuộc khảo sát như vậy, với những phương pháp đáng tin cậy và được quốc tế công nhận. Thực hiện hai cuộc điều tra cho phép chúng ta phân tích các xu hướng về bạo lực đối với phụ nữ.

UNFPA tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam ảnh 3 Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ ký kết dự án hỗ trợ thanh niên lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cuộc điều tra đã cung cấp bằng chứng cho thấy vẫn còn 2/3 phụ nữ ở Việt Nam phải trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực trong đời. Ngoài ra, hơn 90% trong số họ không bao giờ tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào và như vậy thì bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiếp tục tiềm ẩn trong xã hội. Bạo lực với phụ nữ đang gây tổn hại cho nền kinh tế, lên đến khoảng 1,81% GDP. Đây là một mức cao đáng báo động.

Cuộc điều tra cũng đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ để ra những quyết định, chính sách phù hợp. Hiện chúng tôi đang chuyển hướng sang các biện pháp can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Trung tâm dịch vụ một cửa đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các gói dịch vụ toàn diện dựa trên phương pháp lấy nạn nhân làm trung tâm đã được thành lập vào năm ngoái tại tỉnh Quảng Ninh (mô hình Ngôi nhà Ánh Dương). Đường dây nóng của chúng tôi đang nhận được trung bình hơn 1.000 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp mỗi tháng.

Cuối cùng, UNFPA đã hỗ trợ Chính phủ thực hiện cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. Với quy mô dân số lớn, đây thực sự là một thách thức. Chúng tôi đã hỗ trợ áp dụng công nghệ thông tin trong điều tra để tăng tốc độ thu thập dữ liệu và giảm thiểu sai sót của con người. Trong vòng 6 tháng sau ngày tổng điều tra, báo cáo đã được công bố. Đó là một kết quả đáng kinh ngạc trong kinh nghiệm quốc tế về tổng điều tra dân số.

Cuộc điều tra cho thấy những đặc trưng dân số đáng chú ý. Thứ nhất, cơ cấu dân số đang thay đổi với gần 70% dân số là trong độ tuổi lao động (15-64), tạo ra thời kỳ “dân số vàng” quan trọng làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội đáng kể nếu đi kèm những chính sách thích hợp.

Do vậy, chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Chính phủ trong việc thông qua Luật Thanh niên sửa đổi, thúc đẩy sự tham gia của thanh, thiếu niên vào quá trình phát triển của đất nước, cung cấp giáo dục tình dục toàn diện bao gồm sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức già hóa dân số nhanh, là kết quả của sự sụt giảm mức sinh. UNFPA hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các hình thức bảo trợ xã hội cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi.

Năm ngoái, khi các tỉnh miền Trung phải hứng chịu lũ lụt và sạt lở đất bên cạnh dịch COVID-19, UNFPA đã cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp đảm bảo chăm sóc phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực gia đình. UNFPA là tổ chức đi đầu trong việc phối hợp với các đối tác quốc gia và quốc tế để giải quyết những vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới trong các môi trường nhân đạo.

- Bà có thể đưa ra những khuyến nghị gì đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả mối quan hệ hợp tác Việt Nam-UNFPA trong những năm tới, đặc biệt trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững?

Bà Naomi Kitahara: Việt Nam cùng các quốc gia khác đang trong Thập kỷ hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam đã sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện Chương trình, thể hiện cam kết mạnh mẽ và đang trong quá trình tích cực thực hiện.

UNFPA tự hào được đóng góp vào những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam ảnh 4Bên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 bệnh viện Việt Đức tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM). (Ảnh: TTXVN phát)

Là một quốc gia có thu nhập trung bình, điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề bất bình đẳng và chênh lệch, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19. Ví dụ, tử vong mẹ tính theo tỷ lệ trung bình cả nước đã giảm đáng kể (như đã đề cập ở trên) nhưng tử vong mẹ ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao.

Tương tự, nhiều người khuyết tật ở Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục có chất lượng, họ cũng có thể là đối tượng của bạo lực gia đình. Phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ cao tuổi, cũng dễ là nạn nhân của bạo lực. Do đó, việc đảm bảo rằng những nhóm người này có thể tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội và bảo trợ xã hội là rất quan trọng.

Với đại dịch COVID-19, người lao động nhập cư trong và ngoài nước sẽ gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ đặc biệt, thông qua các hình thức tạo thu nhập, tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng sống và giáo dục tình dục toàn diện. Với tư cách là Quỹ Dân số của Liên hợp quốc, chúng tôi cung cấp khuyến nghị cho các quốc gia theo các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).

Ở Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ những nỗ lực đảm bảo các cá nhân, các cặp vợ chồng có thể quyết định một cách tự do, có trách nhiệm về số lượng, khoảng cách và thời gian sinh con của mình.

Trong phân tích về cơ cấu dân số, một điều rõ ràng là nguyên nhân của già hóa dân số không chỉ do tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ trung bình tăng mà còn bởi vì mức sinh giảm. Ngoài ra, tỷ lệ chênh lệch giới khi sinh ở Việt Nam hiện cao thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ, chủ yếu vì người dân lựa chọn giới tính trước sinh do hạn chế sinh sản, bên cạnh tập quán ưa thích con trai cũng như sự phổ biến của các kỹ thuật sinh sản.

Trong bối cảnh này, các nguyên tắc của ICPD nhằm thúc đẩy quyền và sức khỏe tình dục-sinh sản cho tất cả mọi người dân, bất kể tuổi tác, dân tộc hay giới tính là rất quan trọng.

Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác giữa UNFPA và Việt Nam trong hơn 4 thập kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. UNFPA luôn khẳng định cam kết tiếp tục “hỗ trợ Việt Nam trở thành nơi an toàn cho mọi phụ nữ mang thai, bên cạnh việc giúp phát huy tiềm năng của mỗi người trẻ để đảm bảo rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục