UNICEF: Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng thấp nhất kể từ năm 2008

Khoảng 67 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ một phần hoặc toàn bộ các mũi tiêm vaccine cơ bản trong giai đoạn 2019-2021 do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 gây ra.
UNICEF: Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng thấp nhất kể từ năm 2008 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Needham, Massachusetts, Mỹ, ngày 21/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo khoảng 67 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ một phần hoặc toàn bộ các mũi tiêm vaccine cơ bản trong giai đoạn 2019-2021 do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa và tình trạng gián đoạn trong chăm sóc y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Báo cáo mới của UNICEF nêu rõ “thành quả hơn một thập kỷ khó nhọc mới đạt được trong công tác tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị xói mòn,” đồng thời cho rằng việc quay trở lại đúng hướng “sẽ là một thách thức.”

Theo UNICEF, trong số 67 triệu trẻ em bị "gián đoạn nghiêm trọng" lộ trình tiêm vaccine cơ bản, có 48 triệu trẻ em đã bỏ lỡ hoàn toàn các mũi tiêm này, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh bại liệt và sởi.

[Quan điểm của phụ huynh Mỹ về tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em]

Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em sụt giảm ở 112 quốc gia, với mức giảm trên toàn cầu là 5 điểm, xuống chỉ còn 81% - mức thấp nhất kể từ năm 2008. Châu Phi và Nam Á là những khu vực có mức giảm nghiêm trọng nhất.

Theo Liên hợp quốc, vaccine giúp cứu sống 4,4 triệu người mỗi năm. Con số này có thể tăng lên 5,8 triệu người vào năm 2030 nếu thế giới đạt được các mục tiêu đầy tham vọng "không để ai bị bỏ lại phía sau."

Trước khi có vaccine vào năm 1963, bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2,6 triệu người/năm, chủ yếu là trẻ em. Đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 128.000 người.

Mặc dù vậy, từ năm 2019 đến 2021, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi đã giảm từ 86% xuống 81% và số ca mắc bệnh vào năm 2022 lại tăng lên gấp đôi so với năm 2021.

Theo ông Brian Keeley, chủ nhiệm báo cáo này, tỷ lệ tiêm chủng trượt dốc cũng là hệ quả của nhiều cuộc khủng hoảng khác như biến đổi khí hậu hay mất an ninh lương thực.

Ông nêu rõ: “Chúng ta có thể thấy ngày càng có nhiều xung đột, đình trệ kinh tế xảy ra ở nhiều quốc gia, bên cạnh đó là tình trạng khẩn cấp về khí hậu... Tất cả những điều này khiến hệ thống y tế và các quốc gia ngày càng khó đáp ứng nhu cầu tiêm chủng."

UNICEF kêu gọi các chính phủ "tăng cường cam kết hỗ trợ tài chính cho tiêm chủng," trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cơ bản và kịp thời "lấp khoảng trống" cho những trường hợp đã bỏ lỡ mũi tiêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục