Ủy ban điều tra về ứng phó dịch COVID-19 tiếp cận các tài liệu của WHO

Đồng Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 cho biết WHO thông báo rằng các hồ sơ ghi chép của tổ chức này là tài liệu mở và ủy ban trên có thể xem xét mọi tài liệu cần thiết.
WHO cho phép ủy ban điều tra độc lập tiếp cận các hồ sơ về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
WHO cho phép ủy ban điều tra độc lập tiếp cận các hồ sơ về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 3/9, Ủy ban điều tra độc lập về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gọi tắt là IPPR, khẳng định ủy ban này có thể tiếp cận đầy đủ những hồ sơ của WHO để phục vụ điều tra.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, đồng Chủ tịch Ủy ban IPPR, cho biết WHO thông báo rằng các hồ sơ ghi chép của tổ chức này là những tài liệu mở và IPPR có thể xem xét mọi tài liệu cần thiết.

Ủy ban trên được thành lập theo nghị quyết của các quốc gia thành viên WHO về việc tiến hành đánh giá một cách công bằng, độc lập và toàn diện về những diễn biến dịch bệnh, những kinh nghiệm thu thập được cũng như những bài học cần rút ra từ quy trình ứng phó đại dịch COVID-19 của WHO lần này.

[WHO cảnh báo COVID-19 có thể nhanh chóng hủy hoại những tiến bộ y tế]

Nghị quyết nêu rõ cuộc điều tra sẽ đánh giá "những hành động và lịch trình" ứng phó của WHO. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thành lập ủy ban trên hồi tháng 7 vừa qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/9, bà Clark cũng cho biết thêm ủy ban sẽ xem xét một loạt các vấn đề bao quát từ giai đoạn đầu của đại dịch, giai đoạn bùng phát và lây lan toàn cầu và vì sao thế giới vẫn không đủ các biện pháp bảo vệ dù đã có nhiều cảnh báo về một đại dịch toàn cầu đã được đưa ra trong nhiều năm gần đây.

Hai đồng chủ tịch Clark và Sirleaf cũng công bố 11 thành viên còn lại của ủy ban này. Trong các lựa chọn mới có cựu Tổng thống Mexico Ernesto Zedillo, cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband và chuyên gia Joanne Liu, người đứng đầu tổ chức thiện nguyện Bác sỹ không biên giới (MSF), được cho là đã góp công lớn trong chương trình ứng phó dịch Ebola của WHO.

Ủy ban dự kiến sẽ đưa ra các đánh giá tạm thời vào tháng 11 và báo cáo đầy đủ vào tháng 5/2021.

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019, tính đến sáng 4/9, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 872.000 người trên toàn thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục