Ngày 27/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm y tế cho tất cả những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho dù họ có triệu chứng hay không.
Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng việc làm này là không cần thiết. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng khuyến cáo xét nghiệm đối với những người có thể đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bất kể có xuất hiện triệu chứng hay không.
CDC đánh giá khoảng 40-50% những người mắc COVID-19 không xuất hiện triệu chứng và do đó việc làm xét nghiệm sớm có ý nghĩa quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau đó CDC đã âm thầm đưa ra một chỉ dẫn mới trên trang web chính thức, trong đó cho rằng những người không có triệu chứng và tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 trong ít nhất 15 phút "không thực sự cần phải xét nghiệm".
Sự thay đổi này của WHO đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên gia y tế trên khắp thế giới. Thống đốc hai bang New York và California, hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh tại Mỹ, đã lên tiếng phản đối và khẳng định sẽ không tuân thủ chỉ dẫn của CDC.
Khi được hỏi về sự thay đổi lập trường này, chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO không đề cập cụ thể tới tình hình tại Mỹ, song khẳng định WHO khuyến cáo những người có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 cần xét nghiệm ngay nếu có thể, bất kể có triệu chứng hay không.
Theo bà Kerkhove, những người có triệu chứng hay không xuất hiện triệu chứng của bệnh COVID-19 đều có khả năng lây truyền virus.
Đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 830.000 người trong số hơn 24 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc./.