Uzbekistan bãi bỏ tình trạng khẩn cấp ở Karakalpakstan

Trên kênh Telegram, người phát ngôn Sherzod Asadov của Tổng thống Mirziyoyev thông báo các biện pháp khẩn cấp, kể cả lệnh giới nghiêm, sẽ được bãi bỏ từ sáng 21/7 (theo giờ địa phương).
Uzbekistan bãi bỏ tình trạng khẩn cấp ở Karakalpakstan ảnh 1Ông Sherzod Asadov, Thư ký phụ trách báo chí của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev. (Nguồn: kun.uz)

Phóng viên TTXVN tại SNG đưa tin Tổng thống Uzbekistan - ông Shavkat Mirziyoyev ngày 20/7 đã ký sắc lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp ở Cộng hòa tự trị Karakalpakstan - nơi xảy ra những vụ đụng độ đẫm máu hồi đầu tháng.

Trên kênh Telegram, người phát ngôn Sherzod Asadov của Tổng thống Mirziyoyev thông báo các biện pháp khẩn cấp, kể cả lệnh giới nghiêm, sẽ được bãi bỏ từ sáng 21/7 (theo giờ địa phương) vì trật tự đã được khôi phục.

Tổng thống Mirziyoyev hôm 2/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ ngày 3/7, sau khi nổ ra những cuộc biểu tình tại thành phố Nukus nhằm phản đối đề xuất tước bỏ quy chế tự trị của Karakalpakstan. 

Xung đột xảy ra giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người tham gia tuần hành phản đối kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của chính quyền trung ương, theo đó thay đổi quy chế của Karakalpakstan - hiện là một vùng lãnh thổ có chủ quyền thuộc Uzbekistan với phần lớn dân cư là người thiểu số Karakalpak.

[Uzbekistan khẳng định tình hình Karakalpakstan ổn định]

Lực lượng an ninh đã can thiệp khi nhiều người quá khích tìm cách xông vào các tòa nhà chính quyền ở thủ phủ Nukus. Nhà chức trách xác nhận 18 người đã thiệt mạng và 243 người khác bị thương trong các vụ đụng độ. Sự cố này được đánh giá là vụ bạo động nghiêm trọng nhất trong gần 20 năm qua ở Uzbekistan - quốc gia Trung Á có 34 triệu dân.

Sau đó, Tổng thống Mirziyoyev đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất tước quyền tự trị của Karakalpakstan - quy chế, ít nhất là trên lý thuyết, cho phép Karakalpakstan có quyền ly khai trên cơ sở trưng cầu dân ý.

Karakalpakstan, nằm ở khu vực Tây Bắc Uzbekistan, đang bị tàn phá bởi những vấn đề y tế và môi trường do các phương pháp canh tác thâm canh từ thời Liên Xô trước đây và tình trạng khô cạn của Biển Aral./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục