Vai trò của Nga trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Nga đang bất ngờ nổi lên là một chủ thể ngoại giao đóng vai trò then chốt trong vấn đề căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Vai trò của Nga trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tổ chức cuộc họp 3 bên với người đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc. (Nguồn: vnexplorer.net)

Mạng tin India Express đã đăng bài phân tích của tác giả Shubhajit Roy, trong đó đánh giá sự phát triển của quan hệ Trung-Nga trong những thập kỷ qua và vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Trung-Ấn hiện nay, nội dung bài viết như sau:

Nga đang bất ngờ nổi lên là một chủ thể ngoại giao đóng vai trò then chốt trong căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tổ chức cuộc họp 3 bên với người đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc.

Đây là cơ hội đầu tiên để Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ thông qua một cuộc họp trực tuyến.

Ngày 24/6, Nga tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp của Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng đến tham dự cuộc diễu binh mừng 75 năm chiến thắng phátxít, cuộc diễn binh này có sự tham gia của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.

Mặc dù những mối liên hệ mới chỉ dừng lại ở cấp độ bộ trưởng, song đã có ít nhất 2 tiếp xúc giữa Ấn Độ và Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.

[Thế bấp bênh của "tam giác chiến lược" Nga-Trung Quốc-Ấn Độ]

Đầu tháng 6/2020, trước khi cuộc hội đàm cấp trung tướng giữa hai nước diễn ra ngày 6/6, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đã trao đổi với Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolay Kudashev về "những diễn biến gần đây" của tình hình dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Sau cuộc đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, Đại sứ Ấn Độ tại Nga D.Bala Venkatesh Varma đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hôm 17/6.

Tuyên bố ngắn gọn của Bộ ngoại giao Nga cho biết: "Các quan chức đã thảo luận về tình hình an ninh khu vực, bao gồm tình hình của LAC giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Himalaya." Chính phủ Ấn Độ không đưa ra tuyên bố nào về vấn đề này.

Tầm quan trọng của vấn đề này

Trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang xung đột - và không hề lắng nghe lẫn nhau - vai trò của Moskva rất đáng chú ý. Như đã biết, mối quan hệ Nga-Trung đã phát triển trong nhiều năm qua.

Trục quan hệ Moskva-Bắc Kinh rất quan trọng, đặc biệt kể từ khi mối hệ giữa Washington và Bắc kinh trở nên căng thẳng trong nhiều tháng gần đây, và việc Nga gia tăng các biện pháp để đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).

New Delhi cho rằng cách tiếp cận của các nước phương Tây - đặc biệt là của Mỹ - đối với cả Nga và Trung Quốc đã khiến cho hai quốc gia này xích lại gần nhau hơn.

Bất đồng ban đầu

Quan hệ Nga và Trung Quốc đã có một khởi đầu khó khăn sau khi Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trong chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Mao Trạch Đông sau khi giành được quyền kiểm soát Trung Quốc năm 1949, ông đã phải đợi nhiều tuần để có một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Liên Xô.

Một bài báo đăng trên Tạp chí Smithsonian có đoạn: "Ông Mao Trạch Đông đã dành nhiều tuần chờ tại một nhà nghỉ ở một khu vực ngoại ô xa vắng bên ngoài thủ đô Moskva, nơi chỉ có tiện nghi giải trí độc nhất là một chiếc bàn đánh bóng bàn đã hỏng."

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Liên Xô là đối thủ của nhau từ sau chia rẽ Trung-Xô năm 1961, cùng cạnh tranh giành quyền kiểm soát phong trào cộng sản trên toàn thế giới.

Thậm chí, từng xuất hiện khả năng về một cuộc chiến lớn vào đầu những năm 1960, và một cuộc chiến tranh biên giới chóng vánh đã diễn ra vào năm 1969.

Tình trạng thù địch bắt giảm suy giảm sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, tuy nhiên quan hệ song phương vẫn chưa trở lên tốt đẹp cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Cải thiện quan hệ

Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, quan hệ kinh tế đã tạo ra "nền tảng chiến lược mới" trong quan hệ Nga-Trung.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đồng thời cũng là nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại Nga.

Trung Quốc coi Nga là một nguồn cung cấp nguyên liệu thô và là một thị trường tiềm năng đối với hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc.

Việc các nước phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga sau khi nước này sát nhập khu vực Crimea vào lãnh thổ nước Nga năm 2014 đã khiến nước này trở nên gắn bó hơn với Trung Quốc.

Về phía Ấn Độ, nước này luôn cảm thấy rằng chính các nước phương Tây đã làm cho Nga trở lên gắn bó chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Một mối quan hệ giống như đồng minh giữa Nga và Trung Quốc đã được hình thành trong vài năm gần đây.

Việc này trở lên khả thi hơn do tâm lý chống Trung Quốc của Mỹ, sự sụp đổ của giá dầu và việc Nga ngày càng phải phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng của Trung Quốc.

Các nhà phân tích phương Tây coi đây là mối "quan hệ hữu nghị vì lợi ích" giữa hai nước, được dẫn dắt bởi hai nhà lãnh đạo quyền lực là Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nga rất thận trọng trong các tuyên bố liên quan đến các vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc như công nghệ 5G của tập đoàn công nghệ Huawei, vấn đề Hong Kong và đại dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh và Moskva không phải lúc nào cũng chia sẻ chung quan điểm về các vấn đề này. Trung Quốc không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Về phía Nga, trong các phát biểu chính thức, Nga thể hiện lập trường trung lập đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan hệ Nga-Ấn

Ấn Độ có có lịch sử quan hệ với Nga kéo dài hơn 7 thập kỷ. Quan hệ song phương đã phát triển trong một số lĩnh vực, song cũng giảm sút trong một vài lĩnh vực khác. Trong đó, trụ cột mạnh mẽ nhất của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn là trang thiết bị quốc phòng.

Mặc dù Ấn Độ đã có ý thức đa dạng hóa các hợp đồng mua bán quốc phòng mới với nhiều quốc gia, song phần lớn các trang thiết bị quốc phòng là từ Nga.

Ước tính khoảng 60-70% nguồn cung cấp các thiết bị quốc phòng của Ấn Độ là từ Nga, do đó New Delhi cần một nguồn cung đáng tin cậy và thường xuyên các thiết bị thay thế từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Thực tế, Thủ tướng Modi đã tổ chức nhiều hội nghị cấp cao không chính thức với hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin.

Việc Ấn Độ tìm tới Nga xuất phát từ sự cần thiết, bởi nước này tin rằng Nga có sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong việc định hình và thay đổi lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với vấn đề biên giới.

Trong thời điểm căng thẳng biên giới hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh sẽ thảo luận về nguồn cung cấp và việc mua sắm thêm các hệ thống quốc phòng mới - như hệ thống tên lửa S-400 - với những người đứng đầu chính phủ và quân đội Nga.

Lập trước của Nga trước đây và hiện nay

Trong suốt cuộc khủng hoảng ở Doklam năm 2017, các nhà ngoại giao Nga tại Trung Quốc nằm trong số ít những người được chính phủ Trung Quốc thông báo tình hình. Tại thời điểm đó, sự việc này được giữ kín.

Mặc dù lập trường của Nga không ủng hộ Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1962, song Ấn Độ đã cảm thấy an lòng vì nhận được sự ủng hộ của Moskva trong cuộc chiến tranh năm 1971.

Cuộc gặp của ba ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn ngày 23/6 vừa qua, bị trì hoãn từ tháng 3/2020, sẽ là cơ hội đầu tiên để ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc tham gia khuôn khổ quan hệ ba bên.

Tuần trước, khi được hỏi về khả năng thảo luận tình hình căng thẳng Trung-Ấn tại hội nghị trên, Ngoại trưởng Nga Lavrov phát biểu: "Chương trình nghị sự sẽ không bao gồm việc thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương của từng quốc gia với một quốc gia khác."

Trong các sự kiện tại Galwan, Nga đã phản ứng theo một cách thức khác vào tuần trước.

Ngày 17/6, trên Twitter, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Kudashev đã viết: "Chúng tôi rất hoan nghênh các bước nhằm làm giảm căng thẳng ở LAC, bao gồm việc trao đổi giữa ngoại trưởng hai nước và duy trì thái độ lạc quan."

Ông cũng cho biết: "Sự tồn tại của Nga-Trung-Ấn là một thực tế không phải bàn cãi, và chắc chắn được định hình trên bản đồ thế giới. Trong tình hình hợp tác ba bên hiện nay, không có chỉ dấu nào cho thấy mối quan hệ này sẽ bị đóng băng."

Theo hãng tin TASS của Nga, Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga - cho biết Điện Kremlin quan ngại về cuộc đụng độ ở khu vực biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, song tin tưởng rằng hai nước có thể tự giải quyết được cuộc xung đột này.

Ông Peskov nói: "Chắc chắn rằng Nga rất quan tâm và theo sát những diễn biến xảy ra tại khu vực biên giới Ấn-Trung. Chúng tôi tin rằng đây là những tin tức rất đáng báo động. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng hai nước có khả năng thực hiện các bước đi cần thiết để ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, đảm bảo khu vực sẽ ổn định và có thể dự báo trước, và đảm bảo đây là một khu vực an toàn cho mọi quốc gia, trước tiên là đối với Trung Quốc và Ấn Độ."

Người phát ngôn của Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác và liên minh gần gũi của Nga, và hai quốc gia này "có mối quan hệ gần gũi và cùng có lợi được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục