Vấn đề môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải

Hội nghị cấp bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung về việc định hướng hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong GTVT.
Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ hai về môi trường và năng lượng toàn cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải năm 2010 được tổ chức tại Rome, Italy đã thông qua Tuyên bố chung có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tham dự Hội nghị có các đại diện từ 25 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế khác như Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hiệp hội vận tải hàng không (IATA), Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB)… Hội nghị được chia thành sáu cuộc họp nhóm về các lĩnh vực vận tải mặt đất (đường bộ và đường sắt), vận tải nội địa, vận tải hàng không, vận tải hàng hải, vận tải đa phương thức, đánh giá nhu cầu và vấn đề tài trợ.

Các đại biểu tham gia Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của các bộ trưởng về vấn đề môi trường và năng lượng toàn cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nội dung chính của bản Tuyên bố là:

Các bên đã thảo luận các chính sách và xem xét các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó góp phần cắt giảm khí nhà kính (GHG) và giảm khí thải gây ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải mà vẫn bảo đảm sự phát triển cho xã hội thông qua các hoạt động cải cách và tăng cường hợp tác quốc tế.

Các bên chia sẻ tầm nhìn toàn cầu dài hạn trong việc xây dựng hệ thống giao thông carbon thấp và ít ô nhiễm, và cam kết sẽ hoạt động một cách có hiệu quả và trên tinh thần hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia để hoàn thành nhiệm vụ này.

Những cuộc thảo luận trên cả Diễn đàn giao thông vận tải quốc tế tại Leipzig năm 2008, nơi mà vấn đề biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trong chính sách giao thông vận tải lần đầu tiên được thảo luận ở cấp độ quốc tế dưới tiêu đề “Giao thông vận tải và năng lượng: Thách thức của biến đổi khí hậu”, và tại Hội nghị các bộ trưởng về năng lượng và môi trường toàn cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải (MEET) ở Tokyo năm 2009 đều đã chỉ ra rằng lĩnh vực giao thông vận tải có thể, và trên thực tế, phải đóng vai trò quan trọng và thiết yếu để bảo vệ cả khí hậu và môi trường.

Các bên hoan nghênh những nỗ lực đang được các tổ chức quốc tế thực hiện như Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Diễn đàn thế giới về hài hòa các quy tắc thiết kế phương tiện của Hội đồng kinh tế Liên hợp quốc của châu Âu (UNECE/WP.29), và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng như các sáng kiến quốc tế như Hiệp hội Liên hợp quốc về phương tiện và nhiên liệu sạch, Hội nghị quốc tế về phương tiện thân thiện môi trường đồng thời cũng thừa nhận và ủng hộ các mục tiêu của Diễn đàn giao thông vận tải quốc tế (ITF).

Các bên thừa nhận tính toàn cầu của lĩnh vực hàng hải và hàng không và tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững cũng như sự cần thiết phải quan tâm đến sự phát thải của những lĩnh vực này trong mối liên quan đến biến đổi khí hậu; bày tỏ sự ủng hộ và trông đợi với tổ chức ICAO và IMO với vai trò là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về các vấn đề hàng không và hàng hải, và khuyến khích họ tiếp tục vai trò dẫn đầu trong việc xây dựng các giải pháp mang tính toàn cầu có hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động hàng hải và hàng không quốc tế.

Các bên cũng sẽ hợp tác qua ICAO và IMO để thúc đẩy khung hành động nhằm giảm phát thải từ các ngành công nghiệp hàng không và hàng hải; ghi nhận những tiến bộ đã đạt được tại Hội nghị Đại hội đồng ICAO lần thứ 37 tại Montreal (28/9-08/10/2010) và tại IMO MEPC 61 ở London (27/9-01/10/2010).

Các bên cần xem xét triển khai các giải pháp sau đây để phát triển một ngành giao thông vận tải ít carbon:

Vì một số quốc gia có thể không có sự hiểu biết chuyên môn theo yêu cầu và phương tiện tài chính để đánh giá đầy đủ nhu cầu giao thông vận tải của mình, các bên đã thống nhất xem xét phương pháp và cách thức để tận dụng các hiểu biết, cả công và tư, nhằm cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia để thực hiện các chính sách giao thông vận tải bền vững phù hợp với Tuyên bố này.

Nắm rõ tầm quan trọng của an toàn giao thông đường bộ và mối liên hệ của nó với hệ thống quản lý giao thông nhằm mục tiêu giảm/kiểm soát sự tắc nghẽn giao thông, tăng cường hiệu suất năng lượng, giảm khí nhà kính và các dạng ô nhiễm khác, các bên tin rằng cần tập trung đặc biệt vào việc giới thiệu cho tất cả các nước những khái niệm và lựa chọn cơ bản trong lĩnh vực này. Vì vậy các bên đề xuất rằng các nước đã triển khai hệ thống an toàn giao thông đường bộ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình nhằm tăng cường sự hòa hợp giữa các biện pháp và cách tiếp cận ở cả khía cạnh kỹ thuật và điều tiết.

Với sự cân nhắc rằng mục tiêu của việc tích hợp tối ưu mục đích năng lượng và môi trường giữa phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách giao thông vận tải có thể được hỗ trợ bằng các ứng dụng thích hợp của hệ thống giao thông thông minh, đổi mới công nghệ, các bên tin mỗi quốc gia nên tăng cường việc phát triển và vận dụng hệ thống ITS và ICT tại những nơi mà các hệ thống này giúp cho việc thúc đẩy các mục tiêu năng lượng và môi trường và là công cụ sinh lợi.

Ghi nhận rằng nhiều nước đã thấy rằng đã đến lúc để phát triển các nghiên cứu về việc ứng dụng các quy trình và tuyến đường bay nhằm mục tiêu tăng hiệu suất năng lượng, bao gồm việc ứng dụng công nghệ vệ tinh và giảm các rào cản kinh tế và rào cản pháp luật cũng như thể chế, cho phép ứng dụng khái niệm vận hành ATM mới, các bên hoan nghênh đề xuất của Ủy ban EU về việc triệu tập một cuộc họp mà trong đó nó sẽ làm rõ sáng kiến “Riêng bầu trời châu Âu” dựa vào các vùng không phận chức năng và mời tất cả các nước giới thiệu các sáng kiến mà họ đang theo đuổi trong lĩnh vực này, nêu các ví dụ về việc đạt được hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường của lĩnh vực hàng không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục