Vấn đề trừng phạt khí đốt của Nga: EU duy trì một mặt trận thống nhất

Các nguồn tin cho biết châu Âu đang chuẩn bị 1 gói trừng phạt thứ 6 có thể bao gồm nội dung về dầu mỏ; động thái này cho thấy EU muốn đẩy nhanh việc rút khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga.
Vấn đề trừng phạt khí đốt của Nga: EU duy trì một mặt trận thống nhất ảnh 1Biểu tượng Tập đoàn dầu khí Gazprom tại một trạm xăng ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo Les Echos số ra ngày 28/4 nhận định châu Âu đã phản ứng một cách bình thản và cứng rắn trước việc tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Các nguồn tin cho biết châu Âu đang chuẩn bị một gói trừng phạt thứ 6 có thể bao gồm nội dung về dầu mỏ. Động thái này cho thấy Liên minh châu Âu (EU) muốn đẩy nhanh việc rút khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga, trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin ngày 3/5 đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động mà Nga coi là thiếu thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế.

Thông báo của Điện Kremlin cho biết theo sắc lệnh, văn bản này cấm các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền của Liên bang Nga thực hiện các giao dịch và nghĩa vụ đối với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài đã bị áp dụng các biện pháp hạn chế trả đũa, cũng như cấm xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm từ Nga có lợi cho những cá nhân và thực thể mà nước này đã trừng phạt.

Trước đó, căng thẳng ngoại giao-kinh tế giữa EU và Nga cũng đã bùng lên mạnh mẽ vào hôm 27/4, sau khi Gazprom đột ngột ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Phía Nga đưa ra lý do là các công ty năng lượng của hai quốc gia này vẫn không thanh toán cho nhà cung cấp bằng đồng ruble dù đã đến hạn trả tiền, như Tổng thống Putin đã yêu cầu vào tháng trước.

Phản ứng của châu Âu

Bộ trưởng Kinh tế Đức Green Robert Habeck đã đánh giá rằng lệnh cấm vận đối với dầu của Nga là "có thể kiểm soát và quản lý được đối với Đức.” Đức đã thành công trong việc giảm tỷ trọng dầu thô của Nga xuống còn 12% tổng nhập khẩu, mở đường cho các lệnh trừng phạt dầu mỏ có thể áp đặt ở cấp độ EU.

Thông báo về việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga đã gây ra cảm giác lo ngại cho cả châu Âu, cho các quốc gia và cho thị trường, vì đây dường như là một lời cảnh báo cho những nước khác.

Đức, quốc gia vẫn nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt từ Nga, cho biết nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Khi đó, toàn bộ ngành công nghiệp của Đức sẽ rơi vào bế tắc. Suy thoái kinh tế ở Đức sẽ gây ra những hậu quả kinh tế lớn đối với tất cả các đối tác EU.

[EU tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Nga]

Tuy nhiên, trước quyết định của Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu lại phản ứng với một thái độ kiên định và quyết tâm. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 27/4 đã quả quyết rằng biện pháp trả đũa của Nga sẽ có ít hoặc không có tác dụng: "Chúng tôi không những sẽ không cúi đầu trước động thái này, mà còn muốn đảm bảo với đồng bào của mình rằng quyết định này của ông Putin sẽ không ảnh hưởng đến các hộ gia đình."

Kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Ba Lan đã là trung tâm hậu cần chính cung cấp viện trợ cho Ukraine và là một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế diện rộng đối với Nga trong số 27 quốc gia EU.

Quốc gia này đã từng phải cố gắng trong 10 năm để tự giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Trong khi đó Bulgaria, quốc gia phụ thuộc đến 85% vào khí đốt của Nga, cho biết họ còn tương đối ít dự trữ trong kho cho nhu cầu tiêu dùng.

Vào đầu giờ chiều 27/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tuyên bố để trấn an. Theo đó, Bulgaria và Ba Lan sẽ được cung cấp "bởi các nước láng giềng EU" và liên minh sẽ đảm bảo để "quyết định của Gazprom gây ảnh hưởng ít nhất có thể đối với người tiêu dùng châu Âu.”

EC đã và đang làm việc từ nhiều tuần nay để xây dựng các phương án đối phó với kịch bản Nga ngừng giao khí đốt.

Trở lại vấn đề về thanh toán bằng đồng ruble, bà von der Leyen lưu ý rằng “khoảng 97% hợp đồng (giữa các tập đoàn năng lượng EU và các nhà cung cấp khí đốt của Nga) quy định thanh toán bằng đồng euro hoặc đồng USD. Các công ty có hợp đồng như vậy không được nhượng bộ trước yêu cầu của Nga, điều đó sẽ trái với các biện pháp trừng phạt."

Các biện pháp trừng phạt mới

Châu Âu đang trong quá trình chuẩn bị gói biện pháp trả đũa thứ 6 nhằm vào Nga. Các đại sứ của EU đã gặp nhau hôm 27/4 tại Brussels để xem xét các đề xuất mới từ EC, bao gồm nội dung về dầu mỏ.

EC có thể sẽ công bố những đề xuất này sau chuyến thăm và làm việc đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Emmanuel Macron và Olaf Scholz, sau khi ông Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp. Các Bộ trưởng Năng lượng của 27 quốc gia cũng nhóm họp để thảo luận về tất cả những nội dung này.

Khoảng giữa tháng 5/2022, Brussels sẽ thông qua một gói năng lượng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và giảm tiêu thụ. Vào ngày 30 và 31/5, một Hội nghị thượng đỉnh châu Âu bất thường sẽ được tổ chức tại Pháp để tăng cường khả năng phòng vệ của châu Âu và hướng EU tới một mô hình năng lượng mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục