Trong hai ngày, từ 6-7/11, đoàn công tác gồm các cán bộ quản lý, chuyên gia thuộc các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ do giáo sư, tiến sĩ Đặng Vũ Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn đầu đã tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện hai dự án Tổ hợp bauxite-Nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông).
Cùng tham gia chuyến khảo sát còn có nhiều nhà khoa học chuyên ngành của các bộ, ngành chức năng, các cơ quan nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực môi trường, công nghiệp luyện kim, địa chất, thủy lợi, kinh tế xây dựng.
Trong quá trình khảo sát, một trong những nội dung quan trọng được đoàn công tác tìm hiểu và thẩm định rất kỹ là quy trình xây dựng và đặc tính kỹ thuật của hồ chứa bùn đỏ đang được thiết kế, thi công tại hai dự án này.
Hoàn thành 88% tổng khối lượng công trình nhà máy Alumin Tân Rai
Dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng (Dự án Alumin Tân Rai), Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV), được xây dựng trên địa bàn xã Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được xây dựng với mục tiêu khai thác quặng bauxite để sản xuất alumin dùng cho sản xuất nhôm kim loại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự án có tuổi thọ 30 năm, tổng mức đầu tư là 11.353,05 tỷ đồng (tương đương 668 triệu USD) gồm Nhà máy Alumin và Nhà máy tuyển quặng Tân Rai.
Theo chủ đầu tư dự án, đến thời điểm này đã triển khai được 68/69 tổng số hạng mục công trình xây dựng Nhà máy Alumin và hoàn thành 88% tổng khối lượng công trình. Đối với Nhà máy Tuyển quặng bauxite Tân Rai, đã hoàn thành khoảng 40% tổng khối lượng phần xây lắp... Dự kiến, tháng 4/2011 sẽ có sản phẩm alumin thương phẩm đầu tiên.
Theo thiết kế, hồ chứa bùn đỏ của Dự án Alumin Tân Rai được đặt trong thung lũng và ở khu vực có lưu vực nhỏ, cách xa điểm dân cư tập trung và hệ thống sông suối lớn. Hai hồ chứa bùn đỏ tại đây được thiết kế bao gồm nhiều khoang chứa nhỏ, đảm bảo dung tích chứa 36 năm.
Chiều cao bùn thải tối đa luôn thấp hơn chiều cao mặt đập ngăn cách giữa các khoang chứa từ 1,3 đến 2m và thấp hơn mặt địa hình xung quanh hồ chứa từ 2-6m. Chuyên gia TKV cho biết, với thiết kế như vậy, bùn đỏ rất khó có thể tràn ra ngoài thung lũng.
An toàn hơn, các khoang bùn đỏ được vận hành theo thứ tự 1 khoang hoạt động thì 1 khoang bên cạnh dự phòng để chứa nước tràn (trong trường hợp đột biến mưa vượt ngưỡng dự tính) hoặc bùn đỏ tràn do sự cố của khoang hoạt động.
Các đập chắn, chia khoang chứa bùn đỏ được thiết kế với hệ số an toàn cao. Thiết kế công trình chịu động đất ở cấp độ VII, trong khi khu vực Bảo Lâm có gia tốc dao động nền thuộc động đất cấp V.
Xây cống “khóa” bùn đỏ tại đập chắn để chống tràn
Theo các chuyên gia TKV, kết quả cập nhật điều tra mới nhất, sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại Hungary nhiều khả năng do phần bê tông ở đáy đập đặt trên một nền đất yếu nên bị trượt, gây vỡ đập.
Phó Tổng Giám đốc TKV, ông Dương Văn Hòa cho biết, sau khi nhóm chuyên gia khảo sát kỹ sự cố tại Hungary, chủ đầu tư đã yêu cầu Nhà thầu cải tiến thiết kế của hồ chứa bùn bằng cách xây thêm một cống thoát dưới chân đập dự phòng (cách đập cuối cùng của hồ bùn đỏ khoảng 100m). Cống này được xây kiểu cánh phai để đóng lại khi có sự cố xảy ra nhằm ngăn không cho bùn đỏ thoát ra ngoài (đây là cửa thông duy nhất của thung lũng ra ngoài). Cũng tại đây, bùn đỏ sẽ được trung hòa bằng axit để trở về hệ số PH an toàn trước khi thải ra ngoài.
Ông Dương Văn Hòa khẳng định, với hệ thống thiết kế này, hồ bùn đỏ được đảm bảo vận hành an toàn. Nhận thức rõ được tầm quan trọng cũng như tác động của công trình đối với môi trường, TKV cam kết sẽ tổ chức thi công công trình với trách nhiệm cao nhất dưới sự giám sát của 3 cơ quan tư vấn giám sát chuyên ngành, các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia khoa học độc lập.
Cũng theo ông Hòa, hồ bùn đỏ sẽ được xây dựng cơ bản, bảo dưỡng duy trì hàng năm. Hồ cũng sẽ được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt bởi hàng rào, dây kẽm gai, có lực lượng tuần tra, bảo vệ để tránh sự xâm nhập từ bên ngoài và các hành vi phá hoại. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi phía Hungary xử lý sự cố vỡ hồ bùn đỏ, TKV vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện công trình.
Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ sẽ vận hành thử sau 24 tháng
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông), tổng mức đầu tư 11.624,25 tỷ đồng được thiết kế với công suất 650.000 tấn alumin/năm với tuổi thọ dự án trên 50 năm do Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc TKV) làm chủ đầu tư.
Theo tiến độ đề ra, Nhà máy sẽ được xây dựng xong và vận hành thử, bàn giao cho chủ đầu tư trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm 18/10/2010. Hiện, Dự án đang tiến hành xây dựng các hạng mục công trình phục vụ thi công.
Quá trình khảo sát, Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thẩm định và giám sát môi trường của 2 dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân cơ và dự án Tổ hợp bauxite Nhôm Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Công thương thành lập Tổ giám sát riêng đối với hồ bùn đỏ để theo dõi, giám sát quá trình thi công và vận hành của hồ chứa.
Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungari, Bộ Công thương - đơn vị thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án cũng đã yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có uy tín để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Tổ hợp Alumin Tân Rai; đối với Dự án Alumin Nhân Cơ thì cần làm việc với tư vấn thiết kế để nghiên cứu thêm phương án thải khô.
Liên quan đến khả năng phòng tránh sự cố do biến động về địa lý, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chiến, Viện kỹ thuật thủy lợi - đơn vị được Bộ Công thương mời thẩm định dự án cho biết, Viện đã kiểm tra nhiều trường hợp tại công trình đập chắn hồ chứa bùn Nhà máy Alumin Tân Rai với hệ số an toàn vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và đều có kết quả đảm bảo. Vì vậy, nếu đập chắn này được thi công đúng tiêu chuẩn thực tế đã được phê duyệt thì hoàn toàn có thể yên tâm.
Tuy nhiên, giáo sư Chiến cũng thẳng thắn, khâu giám sát thi công để đảm bảo đúng điều kiện kỹ thuật của đập là rất quan trọng và thường xuyên phải lấy mẫu kiểm tra, nếu chưa đạt chuẩn thì phải kiên quyết đập bỏ để làm lại. Đối với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, giáo sư Chiến cho rằng, dự án này có các đập đất cao hơn so với bên Tân Rai nên hệ số an toàn và ổn định của đập sẽ cao hơn.
Về khả năng xảy ra lũ quét tại hai điểm đang triển khai xây dựng dự án bauxite, giáo sư Nguyễn Chiến cho rằng, địa hình hai khu này đều tương đối bằng phẳng, mặc dù ở vùng cao nguyên. Trong khi đó, lũ quét chủ yếu khởi nguồn từ vùng đất cao xuống các sườn dốc, nhưng xung quanh các bãi khai thác quặng và hồ bùn đỏ ở Tân Rai đều là lưu vực nhỏ nên rất khó có khả năng xảy ra lũ quét. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng phải chuẩn bị phương án dự phòng như đào hào, thu gom nước mưa để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Việc khai thác bauxite vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế
Liên quan đến những thắc mắc về việc cân đối kinh tế của dự án, Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Hòa cho biết, tiến trình khai thác bauxite tại Tân Rai được tính hiệu quả trên suốt chiều dài tuổi thọ của dự án là 30 năm. Trên cơ sở thị trường hiện nay, và dự báo của các chuyên gia, giá nhôm vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, việc khai thác bauxite, chế biến alumin vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế như tính toán.
Về những lo ngại đối với phương thức vận tải thương phẩm alumin và những chi phí cho vận chuyển có ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, giải thích với Đoàn công tác, ông Hòa cho biết, TKV đã thuê một đơn vị tư vấn của Bộ Giao thông và Vận tải để đánh giá thẩm định việc này. Kết quả cho thấy, trên cơ sở hạ tầng khu vực hiện nay, có thể đáp ứng được công suất 2 dự án alumin ở giai đoạn 1 và chỉ cần sửa chữa gia cố thêm một số cầu, đường trên tuyến đường bộ.
Ông Hòa cũng khẳng định, không giống những lo ngại về vấn đề này, cả 2 dự án chỉ huy động khoảng 600 lượt xe/ngày đêm để chuyên chở. Tỷ lệ này là không nhiều so với mật độ tham gia giao thông trung bình tại các tuyến đường quốc lộ lên đến hơn chục ngàn lượt. TKV cũng đã tính đủ chi phí đầu vào của dự án đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, ông Trần Phương, không nên chỉ vì 1 vài 1 quan ngại mà dừng Dự án khai thác bauxite đã được chuẩn bị và tiến hành từ cách đây hơn chục năm. Bác bỏ ý kiến cho rằng không nên triển khai dự án này bởi nơi xây dựng nhà máy nằm trên nền đá vôi, ông Phương cho biết, quá trình khảo sát nhiều lần của địa phương và bộ ngành từ trước đến nay đã khẳng định điều này là không chính xác.
Chốt lại các ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải cho rằng, bùn đỏ là vấn đề nhạy cảm nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt thì vẫn có thể kiểm soát và khống chế được./.
Cùng tham gia chuyến khảo sát còn có nhiều nhà khoa học chuyên ngành của các bộ, ngành chức năng, các cơ quan nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực môi trường, công nghiệp luyện kim, địa chất, thủy lợi, kinh tế xây dựng.
Trong quá trình khảo sát, một trong những nội dung quan trọng được đoàn công tác tìm hiểu và thẩm định rất kỹ là quy trình xây dựng và đặc tính kỹ thuật của hồ chứa bùn đỏ đang được thiết kế, thi công tại hai dự án này.
Hoàn thành 88% tổng khối lượng công trình nhà máy Alumin Tân Rai
Dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng (Dự án Alumin Tân Rai), Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV), được xây dựng trên địa bàn xã Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được xây dựng với mục tiêu khai thác quặng bauxite để sản xuất alumin dùng cho sản xuất nhôm kim loại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự án có tuổi thọ 30 năm, tổng mức đầu tư là 11.353,05 tỷ đồng (tương đương 668 triệu USD) gồm Nhà máy Alumin và Nhà máy tuyển quặng Tân Rai.
Theo chủ đầu tư dự án, đến thời điểm này đã triển khai được 68/69 tổng số hạng mục công trình xây dựng Nhà máy Alumin và hoàn thành 88% tổng khối lượng công trình. Đối với Nhà máy Tuyển quặng bauxite Tân Rai, đã hoàn thành khoảng 40% tổng khối lượng phần xây lắp... Dự kiến, tháng 4/2011 sẽ có sản phẩm alumin thương phẩm đầu tiên.
Theo thiết kế, hồ chứa bùn đỏ của Dự án Alumin Tân Rai được đặt trong thung lũng và ở khu vực có lưu vực nhỏ, cách xa điểm dân cư tập trung và hệ thống sông suối lớn. Hai hồ chứa bùn đỏ tại đây được thiết kế bao gồm nhiều khoang chứa nhỏ, đảm bảo dung tích chứa 36 năm.
Chiều cao bùn thải tối đa luôn thấp hơn chiều cao mặt đập ngăn cách giữa các khoang chứa từ 1,3 đến 2m và thấp hơn mặt địa hình xung quanh hồ chứa từ 2-6m. Chuyên gia TKV cho biết, với thiết kế như vậy, bùn đỏ rất khó có thể tràn ra ngoài thung lũng.
An toàn hơn, các khoang bùn đỏ được vận hành theo thứ tự 1 khoang hoạt động thì 1 khoang bên cạnh dự phòng để chứa nước tràn (trong trường hợp đột biến mưa vượt ngưỡng dự tính) hoặc bùn đỏ tràn do sự cố của khoang hoạt động.
Các đập chắn, chia khoang chứa bùn đỏ được thiết kế với hệ số an toàn cao. Thiết kế công trình chịu động đất ở cấp độ VII, trong khi khu vực Bảo Lâm có gia tốc dao động nền thuộc động đất cấp V.
Xây cống “khóa” bùn đỏ tại đập chắn để chống tràn
Theo các chuyên gia TKV, kết quả cập nhật điều tra mới nhất, sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại Hungary nhiều khả năng do phần bê tông ở đáy đập đặt trên một nền đất yếu nên bị trượt, gây vỡ đập.
Phó Tổng Giám đốc TKV, ông Dương Văn Hòa cho biết, sau khi nhóm chuyên gia khảo sát kỹ sự cố tại Hungary, chủ đầu tư đã yêu cầu Nhà thầu cải tiến thiết kế của hồ chứa bùn bằng cách xây thêm một cống thoát dưới chân đập dự phòng (cách đập cuối cùng của hồ bùn đỏ khoảng 100m). Cống này được xây kiểu cánh phai để đóng lại khi có sự cố xảy ra nhằm ngăn không cho bùn đỏ thoát ra ngoài (đây là cửa thông duy nhất của thung lũng ra ngoài). Cũng tại đây, bùn đỏ sẽ được trung hòa bằng axit để trở về hệ số PH an toàn trước khi thải ra ngoài.
Ông Dương Văn Hòa khẳng định, với hệ thống thiết kế này, hồ bùn đỏ được đảm bảo vận hành an toàn. Nhận thức rõ được tầm quan trọng cũng như tác động của công trình đối với môi trường, TKV cam kết sẽ tổ chức thi công công trình với trách nhiệm cao nhất dưới sự giám sát của 3 cơ quan tư vấn giám sát chuyên ngành, các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia khoa học độc lập.
Cũng theo ông Hòa, hồ bùn đỏ sẽ được xây dựng cơ bản, bảo dưỡng duy trì hàng năm. Hồ cũng sẽ được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt bởi hàng rào, dây kẽm gai, có lực lượng tuần tra, bảo vệ để tránh sự xâm nhập từ bên ngoài và các hành vi phá hoại. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi phía Hungary xử lý sự cố vỡ hồ bùn đỏ, TKV vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện công trình.
Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ sẽ vận hành thử sau 24 tháng
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông), tổng mức đầu tư 11.624,25 tỷ đồng được thiết kế với công suất 650.000 tấn alumin/năm với tuổi thọ dự án trên 50 năm do Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc TKV) làm chủ đầu tư.
Theo tiến độ đề ra, Nhà máy sẽ được xây dựng xong và vận hành thử, bàn giao cho chủ đầu tư trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm 18/10/2010. Hiện, Dự án đang tiến hành xây dựng các hạng mục công trình phục vụ thi công.
Quá trình khảo sát, Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thẩm định và giám sát môi trường của 2 dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân cơ và dự án Tổ hợp bauxite Nhôm Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Công thương thành lập Tổ giám sát riêng đối với hồ bùn đỏ để theo dõi, giám sát quá trình thi công và vận hành của hồ chứa.
Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungari, Bộ Công thương - đơn vị thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án cũng đã yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có uy tín để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Tổ hợp Alumin Tân Rai; đối với Dự án Alumin Nhân Cơ thì cần làm việc với tư vấn thiết kế để nghiên cứu thêm phương án thải khô.
Liên quan đến khả năng phòng tránh sự cố do biến động về địa lý, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chiến, Viện kỹ thuật thủy lợi - đơn vị được Bộ Công thương mời thẩm định dự án cho biết, Viện đã kiểm tra nhiều trường hợp tại công trình đập chắn hồ chứa bùn Nhà máy Alumin Tân Rai với hệ số an toàn vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và đều có kết quả đảm bảo. Vì vậy, nếu đập chắn này được thi công đúng tiêu chuẩn thực tế đã được phê duyệt thì hoàn toàn có thể yên tâm.
Tuy nhiên, giáo sư Chiến cũng thẳng thắn, khâu giám sát thi công để đảm bảo đúng điều kiện kỹ thuật của đập là rất quan trọng và thường xuyên phải lấy mẫu kiểm tra, nếu chưa đạt chuẩn thì phải kiên quyết đập bỏ để làm lại. Đối với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, giáo sư Chiến cho rằng, dự án này có các đập đất cao hơn so với bên Tân Rai nên hệ số an toàn và ổn định của đập sẽ cao hơn.
Về khả năng xảy ra lũ quét tại hai điểm đang triển khai xây dựng dự án bauxite, giáo sư Nguyễn Chiến cho rằng, địa hình hai khu này đều tương đối bằng phẳng, mặc dù ở vùng cao nguyên. Trong khi đó, lũ quét chủ yếu khởi nguồn từ vùng đất cao xuống các sườn dốc, nhưng xung quanh các bãi khai thác quặng và hồ bùn đỏ ở Tân Rai đều là lưu vực nhỏ nên rất khó có khả năng xảy ra lũ quét. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng phải chuẩn bị phương án dự phòng như đào hào, thu gom nước mưa để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Việc khai thác bauxite vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế
Liên quan đến những thắc mắc về việc cân đối kinh tế của dự án, Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Hòa cho biết, tiến trình khai thác bauxite tại Tân Rai được tính hiệu quả trên suốt chiều dài tuổi thọ của dự án là 30 năm. Trên cơ sở thị trường hiện nay, và dự báo của các chuyên gia, giá nhôm vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, việc khai thác bauxite, chế biến alumin vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế như tính toán.
Về những lo ngại đối với phương thức vận tải thương phẩm alumin và những chi phí cho vận chuyển có ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, giải thích với Đoàn công tác, ông Hòa cho biết, TKV đã thuê một đơn vị tư vấn của Bộ Giao thông và Vận tải để đánh giá thẩm định việc này. Kết quả cho thấy, trên cơ sở hạ tầng khu vực hiện nay, có thể đáp ứng được công suất 2 dự án alumin ở giai đoạn 1 và chỉ cần sửa chữa gia cố thêm một số cầu, đường trên tuyến đường bộ.
Ông Hòa cũng khẳng định, không giống những lo ngại về vấn đề này, cả 2 dự án chỉ huy động khoảng 600 lượt xe/ngày đêm để chuyên chở. Tỷ lệ này là không nhiều so với mật độ tham gia giao thông trung bình tại các tuyến đường quốc lộ lên đến hơn chục ngàn lượt. TKV cũng đã tính đủ chi phí đầu vào của dự án đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, ông Trần Phương, không nên chỉ vì 1 vài 1 quan ngại mà dừng Dự án khai thác bauxite đã được chuẩn bị và tiến hành từ cách đây hơn chục năm. Bác bỏ ý kiến cho rằng không nên triển khai dự án này bởi nơi xây dựng nhà máy nằm trên nền đá vôi, ông Phương cho biết, quá trình khảo sát nhiều lần của địa phương và bộ ngành từ trước đến nay đã khẳng định điều này là không chính xác.
Chốt lại các ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải cho rằng, bùn đỏ là vấn đề nhạy cảm nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt thì vẫn có thể kiểm soát và khống chế được./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)