"Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim bạn đọc Việt"

'Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim bạn đọc Việt"

Để tôn vinh quan hệ Việt-Hàn qua khía cạnh văn học, nhà văn hai nước đã cùng gặp gỡ, chia sẻ để hướng đến một mục đích chung: Cho văn học nước mình một vị trí vững chãi trong lòng người dân nước bạn.
'Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim bạn đọc Việt" ảnh 1Tập thể các nhà văn, nhà nghiên cứu tại Việt Nam và Hàn Quốc góp mặt trong Hội thảo Văn học Việt-Hàn 2022. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Văn hóa mà đặc biệt là văn học, nghệ thuật của Hàn Quốc đang ngày càng vươn xa trên thế giới, chạm vào trái tim, khối óc của độc giả tại Việt Nam. Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại Hội thảo Văn học Việt-Hàn năm 2022.

Sự kiện diễn ra chiều ngày 25/11 tại Hà Nội, do Hội Nhà văn Việt Nam, Câu lạc bộ Văn học Hòa bình Việt-Hàn và Mạng lưới văn hóa châu Á phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022)

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lý do để các tác phẩm văn học Hàn Quốc gần gũi với bạn đọc Việt Nam chính là vì văn học nước này có nhiều điểm tương đồng với văn hóa cũng như những mối quan tâm đến đời sống của con người Việt. Cũng vì vậy mà số người Việt học về ngôn ngữ và nghiên cứu về văn hóa Hàn ngày càng tăng.

"Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim của bạn đọc Việt Nam bằng những vẻ đẹp riêng biệt của văn chương, những vẻ đẹp văn hóa và tư tưởng thời đại. Không ít nhà văn và bạn đọc Việt nói rằng: Chỉ khi đọc được những tác phẩm văn học của Hàn Quốc thì họ mới được thấy tâm hồn và sức mạnh nội tại của đất nước này," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Ông nhận xét từ những năm 2000 cho đến nay, tức trong vòng hơn 20 năm, văn học Hàn Quốc được đánh giá là có chỗ đứng không hề nhỏ trong đời sống văn học Việt Nam. Các tác phẩm nổi bật có thể kể đến gồm tập thơ song ngữ Việt-Hàn "Thác mặt trời," "Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc" (dịch từ bản chuyển ngữ sang tiếng Anh của ông Nguyễn Quang Thiều), "Khi hoa kiều mạch nở"...

'Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim bạn đọc Việt" ảnh 2Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

"Nhưng có lẽ lý do đặc biệt hơn cả chính là tinh thần của nhà văn hai nước luôn hướng tới những vẻ đẹp vĩnh hằng của đời sống nhân loại," Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói thêm. "Những tác phẩm văn học đã được dịch của hai nước đã mang hai dân tộc từ những ngày tháng đau buồn đến một ngôi nhà chung, ở đó tràn đầy ánh sáng của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ. Đó chính là sứ mệnh của văn học." nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Hiện nay, văn học Việt Nam ngày càng dịch nhiều các tác phẩm của Nguyễn Du, Văn Lê, Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Bích Thúy... ra tiếng Hàn, đưa văn học Việt đến với "xứ sở Kim chi."

[Nhà văn Hàn Quốc chia sẻ ấn tượng về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định tinh thần văn học chân chính đã xóa đi mọi khác biệt và giới hạn giữa các dân tộc. Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn sự hợp tác giữa các nhà văn hai nước sẽ có một bước ngoặt lớn trong thời gian tới để văn học mỗi nước sẽ hiện diện nhiều hơn trong đời sống tinh thần của mỗi người dân.

Nhà văn Hàn Quốc Bang Hyeon-seok, đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học Hoà bình Việt-Hàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ChungAng (Hàn Quốc) cho biết hiện nay ở quốc gia của ông, những tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Văn Lê, Y Ban... không còn xa lạ nữa.

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả trên đang được học sinh, sinh viên Hàn Quốc học tập và nghiên cứu. "Độc giả Hàn Quốc là những người giàu có về tinh thần khi được cảm thụ những tác phẩm hay của các tác giả, nhà văn, nhà thơ Việt Nam," nhà văn Hàn Quốc Bang Hyeon-seok nói.

'Văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim bạn đọc Việt" ảnh 3Nhà văn Bang Hyeon-seok tại hội thảo. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cũng tại sự kiện, nhà văn-nhà báo Cho Yong-ho cho rằng dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng văn học Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở Hàn Quốc. Các tác phẩm Việt được giới thiệu ở Hàn Quốc mới chỉ dừng lại ở một số tác giả với vài chục truyện ngắn và tiểu thuyết; trên báo chí Hàn Quốc cũng chỉ có vài tác giả quen thuộc của Việt Nam toả sáng.

Vì vậy ông hy vọng những hoạt động giao lưu văn học sâu hơn và đa dạng hơn sẽ tạo điều kiện để hiểu biết đa dạng hơn về lịch sử, văn hóa cũng như cuộc sống tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, nhà văn, nhà nghiên cứu hai nước đã có nhiều tham luận xoay quanh văn học hai quốc gia và mối quan hệ ngoại giao Việt-Hàn. Nhà văn Yên Ba gọi sự hợp tác về thúc đẩy phát triển văn học hai nước là "Một cánh cửa mở ra!"; các nhà nghiên cứu Kim Min-Jeong (Đại học Chungang, Seoul), Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền (Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã mang đến các góc nhìn thú vị về văn hóa, nghệ thuật và văn học Hàn Quốc cho các khán giả tại hội thảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục