Vắng bóng “người dập lửa” trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Vắng bóng “người dập lửa” chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Nổi tiếng với tên gọi “người dập lửa” và có kinh nghiệm trong xử lý quan hệ với Mỹ nhưng Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn lại không đảm nhiệm vai trò nào trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Vắng bóng “người dập lửa” chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters, trong lúc "ngọn lửa" chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng phát mạnh hơn, một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - từng được cho là người sẽ giúp xử lý quan hệ với Washington - lại không đảm nhiệm vai trò công khai nào trong cuộc tranh chấp này, đó là Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn.

Nổi tiếng trong chính phủ Trung Quốc với tên gọi “người dập lửa” bởi vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề như tham nhũng và tài chính, Vương Kỳ Sơn còn có kinh nghiệm trong xử lý quan hệ với Mỹ, chẳng hạn như việc lãnh đạo đối thoại kinh tế thường niên với Washington khi ông giữ chức Phó Thủ tướng.

Chính vì vậy, Vương Kỳ Sơn được các nhà ngoại giao nước ngoài cho là sẽ đảm nhiệm vị trí trung tâm trong xử lý quan hệ với chính quyền Mỹ Donald Trump khi ông trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc.

[Các xung đột quan điểm từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]

Kỳ vọng này càng được củng cố hơn nữa vào thời điểm trước khi ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước hồi tháng 3/2018. Vương Kỳ Sơn đã có các cuộc gặp kín với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad và với cựu cố vấn của Trump là Steve Bannon.

Một số nguồn tin trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho biết ông cũng có các cuộc họp kín với các giám đốc điều hành Mỹ trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, ngoài một số cuộc gặp công khai với các vị khách Mỹ tới thăm Trung Quốc - lần cuối cùng vào giữa tháng 5/2018 khi ông gặp các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh - và một số lần xuất hiện khác, bao gồm tại một diễn đàn ở Nga hồi cuối tháng 5/2018, Vương Kỳ Sơn lại có sự thể hiện khá mờ nhạt.

Ví dụ như cách đây 2 tuần, tin tức duy nhất nhắc tới ông là khi ông gặp Ngoại trưởng Bangladesh và khi ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc.

Theo một số nhà quan sát Trung Quốc, sự vắng mặt của ông là điềm xấu cho quan hệ Mỹ-Trung, bất chấp sự khẳng định của Trump rằng Tập Cận Bình là người bạn thân thiết. Nếu có một bước đột phá sớm xảy ra trong cuộc tranh chấp thương mại này, người ta kỳ vọng Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò nổi bật hơn.

Scott Kennedy, Phó Giám đốc nhóm nghiên cứu Trung Quốc Freeman Chair của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói: “Sẽ là điều điên rồ nếu Vương Kỳ Sơn lên máy bay tới Mỹ mà chưa có sự đảm bảo chắc chắn rằng có một thỏa thuận được ký kết và thỏa thuận đó sẽ được duy trì.”

Một nguồn tin biết rõ về cuộc gặp của Vương Kỳ Sơn với các nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Phó Chủ tịch Trung Quốc chỉ can thiệp khi “ông biết chắc về cách thức ông có thể đàm phán với một kết quả rõ ràng.”

Người này nói rằng khi cần đàm phán về một vấn đề nào đó, Vương sẽ làm việc hết mình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Văn phòng của người phát ngôn của chính phủ đều không đưa ra câu trả lời khi được yêu cầu bình luận về Vương Kỳ Sơn và vai trò của ông trong tranh chấp thương mại với Mỹ. Hiện cũng không có thông tin liên hệ với văn phòng Phó Chủ tịch nước.

Vòng đàm phán thương mại mới đây nhất với Washington, dưới sự dẫn đầu của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đã không thể ngăn chặn quyết định của Mỹ về việc áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 6/7 và một lượng hàng hóa khác trị giá 16 tỷ USD sẽ bị đánh thuế trong giai đoạn 2. Trung Quốc đã trả đũa bằng việc áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Điều đáng lo ngại nhất với Trung Quốc là Trump cảnh báo rằng chính quyền Mỹ cuối cùng sẽ đánh thuế lượng hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ USD của Trung Quốc, tương đương gần tổng số hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ bằng các biện pháp riêng mỗi khi Washington tăng cường áp thuế.

Theo các nhà ngoại giao, chính sách ngoại giao của Vương Kỳ Sơn khá mờ nhạt và chỉ nằm ở hậu trường, nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ông đã mất đi vị trí là nhà hoạch định chính sách và nhân tố chính trị then chốt.

Vương Kỳ Sơn, 70 tuổi, là người kỳ cựu hơn cả Vương Nghị - Ủy viên Quốc vụ viện và Dương Khiết Trì - thành viên Bộ Chính trị, Chánh văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không giống như Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người tốt nghiệp Đại học Harvard, Vương Kỳ Sơn không biết nói tiếng Anh dù ông có xu hướng đối thoại trực tiếp trong các cuộc họp kín.

Một nhà ngoại giao phương Tây cấp cao yêu cầu giấu tên cho rằng Bắc Kinh dường như không muốn Vương Kỳ Sơn can thiệp vào vấn đề này sau khi Lưu Hạc bất ngờ bị Trump quay lưng lại với “đồng thuận” trước đó rằng hai bên sẽ giải quyết tranh chấp thương mại vào tháng 5/2018.

 

Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh đã phải trăn trở để xác định xem Washington thực sự muốn gì, đặc biệt trong bối cảnh đội ngũ đàm phán thương mại Mỹ bị chia rẽ giữa một bên là những người có xu hướng ủng hộ thương mại tự do và những người có quan điểm bảo hộ thương mại.

Điều này dẫn đến các phát biểu khó hiểu và đôi lúc mâu thuẫn từ các quan chức khác nhau của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục