Các xung đột quan điểm từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Anh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã tạo ra thách thức lớn đối với trật tự kinh tế thế giới, đồng thời phản ánh các xung đột quan điểm giữa Washington và Bắc Kinh.
Các xung đột quan điểm từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1 Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh. (Nguồn: The Chinese Embassy/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra thách thức lớn đối với trật tự kinh tế thế giới, đồng thời phản ánh các xung đột quan điểm giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong một bài báo được công bố trên tờ The Sunday Telegraph, ông Lưu Hiểu Minh cho hay, gần đây Mỹ đã quay lại đe dọa, công kích sau khi đạt được sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc với Trung Quốc.

Đại sứ nêu rõ: "Đám mây đen của 'cuộc chiến thương mại' một lần nữa lại che phủ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, tạo ra một thách thức lớn đối với trật tự kinh tế thế giới và cơ chế thương mại đa phương."

[Mỹ xem xét áp thuế bổ sung với Trung Quốc vào tháng 8]

Theo Đại sứ Lưu Hiểu Minh, về bản chất, cuộc chiến thương mại không chỉ là vấn đề thương mại mà còn cho thấy các xung đột quan điểm giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới thế giới, hợp tác và phát triển.

Đầu tiên, Mỹ với quan điểm "Nước Mỹ trước tiên," có thể trừng phạt bất kỳ nước nào, dù là đồng minh hay không, nếu Washington cho rằng những nước này đang gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ.

Ngược lại, Trung Quốc xem mọi mối quan hệ với thế giới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng và hợp tác cùng có lợi, đồng thời nhằm mục tiêu bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung.

Về vấn đề hợp tác, ông Lưu Hiểu Minh cho rằng Mỹ tin vào chính sách đơn phương, bảo hộ, với cách tiếp cận "trò chơi được mất" và "rút ruột nước khác," điều này phần lớn bị cộng đồng quốc tế hoài nghi và phản đối.

Trong khi đó, Trung Quốc theo đuổi triết lý lâu nay về "đoàn kết là sức mạnh và cô lập là điểm yếu," liên kết, hợp tác các bên cùng có lợi, đồng thời nỗ lực duy trì các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ủng hộ cơ chế thương mại đa phương và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở cửa.

Qua đó, Đại sứ Lưu Hiểu Minh kêu gọi Mỹ thừa nhận xu thế bao quát toàn bộ, từ bỏ quan niệm cổ hủ và hợp tác với các nước khác nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi, hướng tới đạt được sự phát triển và thịnh vượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục