Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp… Vì vậy, chưa phát huy được hết giá trị của sản phẩm, cũng như lan tỏa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương tới nhiều khu vực thị trường.
Liên quan tới lĩnh vực này, ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới đã có một số trao đổi với phóng viên về những giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm này.
Muốn bán được hàng cần có những kênh tiếp cận hiện đại
- Thưa ông, việc phát triển các sản phẩm OCOP đang gặp những thuận lợi gì?
Ông Đặng Quý Nhân: Hiện nay đã có đã có hơn 10.800 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm đạt chứng nhận cấp quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, cũng có hơn 5.600 các chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP cấp quốc gia trên phạm vi cả nước chủ yếu là các hợp tác xã, các tổ hợp tác các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cũng là đối tượng tham gia vào chương trình này.
Sản phẩm OCOP: Giữ bản sắc để nâng tầm giá trị đặc sản vùng miền địa phương
Theo ông Hoàng Hoa Quân, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám phá các vùng quê, đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP được khẳng định về chất lượng về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm về mẫu mã bao bì ngày càng đẹp hơn, có thể sử dụng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân hàng ngày và đặc biệt được sử dụng để làm quà tặng trong các dịp lễ hội, lễ Tết và quà đối ngoại với các sản phẩm có chất lượng cao.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP không phải không có khó khăn. Đầu tiên là các đối tượng làm ra các sản phẩm OCOP là các chủ thể, chủ yếu họ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có năng lực sản xuất hạn chế, khó cạnh tranh với các dây chuyền máy móc của các công ty lớn.
Tiếp đến, các sản phẩm OCOP thường là đặc sản, do vậy sẽ là quý hiếm ở các vùng miền địa phương, nó có tính lịch sử, có câu chuyện văn hóa và được tạo ra bởi lịch sử truyền thống, bằng những kinh nghiệm của người dân địa phương cũng như là bàn tay của nghệ nhân tạo ra những sản phẩm OCOP của địa phương.
Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ cho chương trình, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân. Một khó khăn nữa là các chủ thể sản phẩm OCOP là những người nông dân, thậm chí là những người dân tộc thiểu số, nên trình độ tiếp cận với khoa học công nghệ chưa phải là nhanh.
Xu hướng hiện nay, ngoài những kênh bán hàng truyền thống thì muốn bán được hàng, tiếp cận nhanh với người tiêu dùng tại các đô thị lớn, cần phải có những kênh tiếp cận hiện đại như thương mại điện tử, mạng xã hội (facebook, tiktok hoặc các sàn thương mại điện tử…)
Để làm được việc này thì những người nông dân vùng nông thôn, những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm OCOP cần phải được đào tạo nâng cao năng lực từ thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm mới cho đến những quy chuẩn, thậm chí là những việc thống kê kích thước, trọng lượng của những bao bì sản phẩm để tạo thuận lợi cho việc ship hàng hoặc vận chuyển cho các hãng vận chuyển…
Đáp ứng các quy trình chuyên nghiệp
- Thưa ông, các giải pháp để đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử hiện nay còn khó khăn gì và các giải pháp để có thể đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử hiệu quả, ra sao.
Ông Đặng Quý Nhân: Hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Việc hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, các sản phẩm OCOP được tiếp cận các sàn thương mại điện tử là một hướng đi đúng đắn, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là khâu cuối cùng trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Như tôi đã nói, các chủ thể OCOP là những người nông dân, nên để cập nhật các kiến thức trong lĩnh vực thương mại điện tử thì không hề đơn giản, mà cần phải có thời gian thông qua đào tạo tập huấn.
Ví dụ, để làm được thương mại điện tử thì ít nhất bà con chủ thể cần phải biết chụp những bức ảnh đẹp, cần phải có kích thước tiêu chuẩn rõ ràng, khi đưa lên sàn sẽ dễ dàng bán được hàng. Rồi các sản phẩm cũng cần phải được mô tả đặc tính, chất lượng, tính năng, tác dụng vì nó là đặc sản nên muốn giới thiệu về đại số đông người tiêu dùng thì cần phải có những thông tin rất cơ bản, ngắn gọn, nhưng rõ ràng để người tiêu dùng có thể tiếp cận và quyết định lựa chọn sản phẩm này.
Chúng tôi cũng mong muốn các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung ứng sẽ đồng hành cùng với các đơn vị quản lý của Nhà nước để có thể hỗ trợ bà con nông dân thông qua những khóa tập huấn đào tạo, thông qua những kênh thông tin tuyên truyền để nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP này rộng rãi đến người tiêu dùng và bản thân người tiêu dùng cũng hiểu được giá trị của sản phẩm OCOP mà khi họ lựa chọn trong giỏ hàng của mình.
- Các giỏ hàng và siêu thị vẫn chưa nhiều các sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao, vậy có những rào cản lớn nhất nào?
Ông Đặng Quý Nhân: Đối với các chủ thể sản phẩm OCOP, phần lớn là những doanh nghiệp rất nhỏ,để tiếp cận được các trung tâm thương mại lớn cần có quy trình chuyên nghiệp, từ việc cung ứng hàng cho đến logistics, cho đến các thông tin về thanh quyết toán nó cần phải rõ ràng.
Những khó khăn này, trước mắt các chủ thể OCOP chưa đáp ứng được từ hệ thống tài chính khai báo thuế, hóa đơn, cho đến tiếp cận những phương thức logistics trong chuỗi vận chuyển, sau đó đến các quy trình thanh toán đối với các trung tâm siêu thị lớn thì có lẽ đây là một hạn chế lớn nhất của các chủ thể OCOP để tiếp cận được những trung tâm siêu thị lớn.
Về phía Nhà nước và các ban, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sẽ hỗ trợ bà con. Chúng tôi mong muốn tạo ra được một cơ chế riêng, một sân chơi riêng, một khu vực riêng tại những siêu thị lớn để bà con có thể được thỏa mãn, được tự mình bán hàng và tự mình giới thiệu với một cơ chế hợp lý nhất để đôi bên cùng có lợi, nhà đầu tư, chủ siêu thị cũng có thể là được hưởng lợi từ đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Các chủ thể doanh nghiệp OCOP được trực tiếp giới thiệu hàng tới tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và với giá cả hợp lý nhất.
Để đưa được sản phẩm OCOP vào trong chuỗi tiêu thụ cũng đòi hỏi cần có chính sách của Nhà nước hỗ trợ. Phía Bộ Công Thương đã có Quyết định 950/BCT, ngày 18/4/2023 để hướng dẫn các địa phương về bộ tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đây cũng là một trong chính sách rất thuận lợi để các chủ thể có thể đưa những mặt hàng của mình vào những điểm bán hàng tiêu chuẩn do Nhà nước quyết định.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận.